Rắn biển độc đuổi theo thợ lặn vì tưởng nhầm bạn tình

  •   3,52
  • 59.150

Nghiên cứu mới hé lộ những vụ tấn công của rắn biển nhắm vào thợ lặn có thể do nhầm lẫn nhận dạng.

Nhiều thợ lặn ở các nơi như rạn san hô Great Barrier báo cáo bị rắn biển có nọc độc tấn công, đặc biệt là rắn biển olive có thể đạt chiều dài khoảng 1,8 mét. Theo lời kể của thợ lặn, những con rắn đôi khi lao ra trong nước, bơi nhanh theo đường zig-zag tới chỗ nạn nhân. Thợ lặn ít khi bị cắn trong các vụ đụng độ kiểu này nhưng sự hung dữ của loài vật có nọc độc chứa độc tố thần kinh chết người đủ khiến những người lần đầu trải nghiệm hoảng sợ.

Rắn biển Olive
Rắn biển olive nằm trong số những loài rắn biển lớn nhất và thường xuyên tiếp xúc với thợ lặn. (Ảnh: Jack Breedon).

Nghiên cứu mới công bố hôm 19/8 trên tạp chí Scientific Reports hé lộ nhiều khả năng rắn biển không có thái độ thù địch với người ghé thăm môi trường sống của chúng. Thay vào đó, những vụ tấn công có thể là kết quả do nhầm lẫn. Rắn biển có thể nhầm thợ lặn đang bơi với bạn tình trong mùa giao phối. Theo Rick Shine, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Macquarie tại Australia, động vật hoang dã không tấn công người mà không có lý do hợp lý.

Cộng sự của Shine là Tim Lynch, nhà khoa học làm việc cho Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia tình cờ có sẵn một bộ dữ liệu chưa công bố có thể giúp lý giải hành vi của rắn biển. Năm 1994, Lynch dành 250 giờ lặn scuba quanh quần đảo Keppel ở phía nam rạn san hô Great Barrier để nghiên cứu hành vi của rắn biển olive cho luận văn thạc sĩ. Lynch sẽ ghi chép ông đụng độ rắn biển bao nhiêu lần cũng như chúng tiếp cận ông bao lâu trong khoảng thời gian lặn 30 phút.

Shine hồi tưởng lại luận văn đã hoàn thành nhưng kết quả chưa được công bố trên tạp chí vào thời điểm đó. Hơn 20 năm sau, khi Covid-19 khiến mọi nghiên cứu thực địa phải tạm dừng, Shine gặp Lynch để xem xét lại dữ liệu và đưa ra phân tích mới.

Shine và Lynch phát hiện trong 158 lần đụng độ, 74 lần rắn biển tiếp cận thợ lặn. Những tương tác diễn ra phổ biến hơn trong mùa giao phối của rắn biển olive từ tháng 5 tới tháng 8. Chỉ có 13 tương tác trong số đó là những cuộc tấn công nhắm vào thợ lặn. Tỷ lệ rắn tấn công chia theo giới tính là 50 - 50 (7 con rắn đực và 6 con rắn cái). Trước đó, Lynch thực hiện một số quan sát quan trọng về tình huống xuất hiện hành vi hung dữ, nhờ đó ông và Shine có thể làm rõ những gì đang xảy ra.

Đầu tiên, tất cả vụ tấn công xảy ra trong mùa giao phối của rắn biển. Thứ hai, mọi vụ tấn công bởi rắn đực đều diễn ra ngay sau khi con vật đối đầu tình địch hoặc mất dấu rắn cái mà nó đang đuổi theo quanh rạn san hô. Một số rắn địch dường như bị kích động bởi chân nhái của Lynch và quấn quanh bàn chân của ông theo cách rắn biển hay làm khi tán tỉnh bạn tình. Cuối cùng, tất cả rắn cái tấn công Lynch dưới nước đều đang bị đuổi bởi rắn đực tìm cách giao phối.

Shine lý giải những chi tiết trên, kết hợp nghiên cứu trước đây cho thấy rắn biển olive nhiều khả năng không thể nhìn rõ dưới nước, chứng tỏ tương tác giữa thợ lặn và rắn biển có thể do nhầm lẫn nhận dạng. Rắn biển đực gặp rắc rối trong việc định vị con cái. Nếu mục tiêu bỏ chạy và nó bị mất dấu, con rắn vội vã lao về phía bất kỳ hình dạng nào mà nó nhìn thấy trong nước. Khi tới nơi, nó mất một lúc để nhận ra vật thể to lớn đó không phải rắn cái mà nó theo đuổi.

Trong trường hợp rắn cái bị đuổi bởi rắn đực, thợ lặn có thể trông giống một khối san hô lớn thích hợp để ẩn náu. Rắn đực có thể bám đuổi dai dẳng, vì vậy tìm chỗ nấp đôi khi là lựa chọn tốt nhất cho rắn cái để cắt đuôi đối tượng không mong muốn. Lynch và Shine cho biết phát hiện của họ cung cấp thông tin thực tế cho những thợ lặn có khả năng chạm trán rắn biển olive và nhiều loài rắn biển khác.

"Rắn biển có thể bơi nhanh hơn bạn, vì vậy tìm cách bơi đi xa chỉ lãng phí thời gian", Shine nhấn mạnh. "Đừng cố gắng đánh con rắn hay đuổi nó đi bởi điều đó có thể khiến nó khó chịu. Hãy để nó có cơ hội xác định bạn là ai và khi đó, nó sẽ tự rời đi".

Cập nhật: 23/08/2021 Theo VnExpress
  • 3,52
  • 59.150