"Rắn lửa" bò ra từ chân vị thánh thời Trung cổ

  •   42
  • 7.776

Các nhà nghiên cứu Italy tìm ra mô tả sớm nhất về bệnh giun chỉ khi nghiên cứu một bức tranh thời Trung cổ.

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Nhiễm trùng, bệnh giun chỉ lần đầu được đề cập trong một bức tranh từ thế kỷ 15 hiện trưng bày tại phòng tranh Pinacoteca di Brera ở vùng Puglia phía nam Italy, Live Science hôm 17/3 đưa tin.

Bức tranh hiếm thuộc trường phái nghệ thuật hậu Gothic ở Puglia, vẽ thánh Roch hành hương vào Pháp ở thế kỷ 14, được cho là người chữa bệnh cho các nạn nhân nhiễm dịch giun chỉ và chính bản thân ông cũng bị lây nhiễm. "Thánh Roch có một cái hạch trên đùi", nhà cổ sinh vật bệnh học Raffaele Gaeta tại Đại học Pisa, Italy, cho biết.

Bức tranh Trung cổ mô tả con giun chỉ chui ra từ miệng vết thương trên chân thánh Roch.
Bức tranh Trung cổ mô tả con giun chỉ chui ra từ miệng vết thương trên chân thánh Roch. (Ảnh: Raffaele Gaeta).

Trong bức tranh vẽ tại Bari, thuộc vùng Apulia, vị thánh là một người đàn ông có râu với bị sưng ở đùi trái và ống tất bên trái bị kéo xuống. "Tuy nhiên, bức tranh có một chi tiết thực tế là một con giun chỉ thân nhỏ, màu trắng chui ra từ miệng vết thương và bò xuống gần đến đầu gối", Gaeta cho biết.

Các nhà sử học nghệ thuật từng nhầm lẫn khi cho rằng chi tiết này là một giọt mủ chảy dài từ vết thương, Gaeta nhấn mạnh. "Chúng tôi tin chắc họa sĩ vẽ về một trường hợp mắc bệnh giun chỉ thời cổ đại, một bệnh truyền nhiễm do ấu trùng giun Guinea nổi tiếng gây ra", Gaeta và cộng sự Fabrizio Bruschi và Valentina Giuffra báo cáo trong nghiên cứu.

Bệnh Dracunculus, hay giun Guinea gây ra bệnh dịch từ hàng nghìn năm, được nhắc đến trong Kinh thánh Cựu Ước có niên đại vào năm 1450 trước Công Nguyên. Cuốn sách y khoa Ebers Papyrus của Ai Cập ra đời năm 1550 trước Công nguyên còn nêu cách cuộn con giun quanh một cái que để lấy nó ra khỏi cơ thể bệnh nhân và phương pháp này vẫn được áp dụng ngày nay.

Các nhà nghiên cứu ký sinh trùng cho rằng "rắn lửa" được nhắc đến trong Kinh thánh, nguồn gây bệnh cho những người Do Thái rời bỏ Ai Cập, có thể là giun Guinea. Dịch bệnh này lan rộng ở Trung Đông tại thời điểm đó.

"Con giun không khiến nạn nhân tử vong nhưng có thể tàn tật", Gaeta cho biết. "Loại ký sinh trùng này có biệt danh "rắn lửa" vì nó gây ra cơn đau dữ dội khi chui qua da".

Dù không có tài liệu nào ghi nhận bệnh này xuất hiện tại Italy, nhưng có thể người họa sĩ ẩn danh vẽ bức tranh phát hiện ra ký sinh trùng trong vết thương của du khách đến Bari, cảng biển quan trọng dành cho những người muốn đến Trung Đông, đặc biệt là Syria và Palestine. "Họa sĩ vẽ thêm một con giun màu trắng dài và thân nhỏ chui ra khỏi chân theo chủ nghĩa hiện thực", Gaeta nói.

Cập nhật: 25/03/2017 Theo VnExpress
  • 42
  • 7.776