Robot trợ giúp bệnh nhân suy tim qua cơn nguy kịch

  •  
  • 887

Mẫu robot thử nghiệm mới của các nhà khoa học tại Viện công nghệ MIT (Mỹ) hy vọng sẽ đem lại cơ hội sống sót cao hơn cho các bệnh nhân bị mắc bệnh suy tim.

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đã cho ra mắt robot thử nghiệm giúp đem lại hy vọng mới cho các bệnh nhân mắc chứng yếu tim hoặc suy tim, để họ có thể vượt qua cơn nguy kịch trong trường hợp không đủ máu nuôi sống tim.

Robot này có thể hỗ trợ các bệnh nhân mắc chứng yếu tim hoặc suy tim.
Robot này có thể hỗ trợ các bệnh nhân mắc chứng yếu tim hoặc suy tim.

Theo ZDNet, mẫu robot này có nhiệm vụ bao bọc quanh trái tim và bơm máu trong trường hợp người bệnh gặp triệu chứng suy tim. Phần ống bọc của robot được tạo hình giống với mô tim của con người.

Khi bao bọc quanh trái tim, robot sử dụng khí nén để tác động lên các khối cơ nhân tạo làm bằng silicon. Các khối cơ này tiếp tục tác động nén và xoắn trực tiếp lên tim, thông qua đó giúp kích thích tim bơm máu trở lại mà không cần tương tác với các chất dịch.

Các nhà nghiên cứu hiện đã có thể điều chỉnh robot tạo lực xoắn và nén lên tim đồng bộ với nhịp đập của một trái tim thông thường, tuy vậy điều này cũng phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của bệnh nhân.

Cấu tạo của thiết bị hỗ trợ tâm thất.
Cấu tạo của thiết bị hỗ trợ tâm thất.

Theo ước tính, chứng suy tim ảnh hưởng tới khoảng 41 triệu người trên toàn thế giới và khoảng 5 triệu người chỉ tính riêng tại Mỹ. Khi tim dần bị kiệt sức sau một quãng thời gian dài hoạt động quá sức hoặc do lão hóa, cách tốt nhất cho chứng bệnh này là cấy ghép tim nhân tạo.

Tuy vậy không phải lúc nào nguồn tạng phù hợp cũng có và khi có cũng không phải ai đều có đủ tiền để cấy ghép. Lúc này nhiều người phải phụ thuộc vào thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD), một dạng thiết bị hỗ trợ kéo dài hoạt động của tim. Nhưng VAD không thể thay thế được chức năng của trái tim và chúng yêu cầu bệnh nhân phải uống thuốc chống đông máu và nhiễm trùng trong suốt phần đời còn lại.

Khác với VAD, mẫu robot của các nhà nghiên cứu MIT đặc biệt không tiếp xúc với máu của người bệnh, do đó gần như người bệnh không cần tới chất làm loãng máu hoặc thuốc chống đông máu khi sử dụng. Bên cạnh đó, tính ứng dụng của mẫu robot này rất cao đối với nhiều vấn đề liên quan đến các thiết bị can thiệp tim mạch hiện nay.

Robot đã được thử nghiệm thành công trên loài lợn.
Robot đã được thử nghiệm thành công trên loài lợn.

Tính tới nay, robot đã được thử nghiệm thành công trên loài lợn. Các nhà nghiên cứu tiêm thuốc khiến tim lợn ngừng đập và qua thử nghiệm cho thấy, robot vẫn đáp ứng bơm máu khá đầy đủ cho tim lợn trong lúc tim ngừng đập.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định trên mẫu robot thử nghiệm. Dưới tác động của lực xoắn và nén, tình trạng viêm nhiễm đã xảy ra trên tim. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu đã tiến hành giảm ma sát cho robot bằng cách sử dụng hydrogel nhằm tạo lớp bảo vệ giữa phần ống bọc và tim.

Hy vọng trong tương lai không xa, con người sẽ sớm được hưởng thành quả của công nghệ y tế tiên tiến này.

Cập nhật: 31/01/2017 Theo vnreview
  • 887