Robot xoắn ốc bơi trong mạch máu để phá máu đông

  •  
  • 436

Các nhà khoa học phát triển mẫu robot tí hon có thể được điều khiển để mang thuốc đến vị trí chỉ định trong mạch máu.

Trong tương lai, các cục máu đông có thể được dọn dẹp nhờ những robot tí hon chở thuốc bơi trong mạch máu, Mail hôm 11/1 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí ACS Nano.

 Minh họa cục máu đông và robot xoắn ốc tí hon.
Minh họa cục máu đông và robot xoắn ốc tí hon. (Ảnh: Christoph Burgstedt/Qianqian Wang/Xingzhou Du/Dongdong Jin/Li Zhang)

Nhóm kỹ sư tại Đại học Hong Kong Trung Quốc phát triển mẫu robot này với cảm hứng từ đuôi của những vi khuẩn như E. coli. Robot tí hon có dạng xoắn giống như đinh vít. Nó được điều khiển bằng tác động từ trường từ bên ngoài và có khả năng di chuyển thuận hoặc ngược chiều máu chảy.

Thử nghiệm trong mạch máu giả chứa máu lợn cho thấy robot khiến chất hoạt hóa plasminogen mô (dùng để làm tan cục máu đông) trở nên hiệu quả hơn gấp 5 lần so với bình thường. Động cơ của robot giúp luân chuyển thuốc xung quanh vị trí tắc nghẽn, giúp phá cục máu đông tốt hơn và giảm rủi ro để lại các mảnh vỡ lớn. Đây là rủi ro xảy ra khi chỉ sử dụng thuốc và có thể dẫn đến việc xuất hiện thêm những điểm tắc nghẽn ở "hạ lưu".

Vì rất khó để điều khiển robot di chuyển quãng đường dài trong cơ thể, phương pháp mới sẽ thích hợp hơn với những cục máu đông ở vị trí dễ tiếp cận, theo nhóm nghiên cứu.

"Robot xoắn ốc giống một thiết bị đẩy nên có thể vận chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B. Bạn cũng có thể cho nó thực hiện công việc khác ngoài chở thuốc, ví dụ như các liệu pháp dựa trên tế bào gốc, hoặc đốt nóng cục bộ để tiêu diệt tế bào ung thư", Li Zhang, nhà robot học tại Đại học Hong Kong Trung Quốc, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, để giám sát quá trình robot hoạt động trong mạch máu giả, Zhang cùng các đồng nghiệp sử dụng phương pháp theo dõi siêu âm Doppler, cụ thể là đo đạc phản xạ của các sóng âm truyền qua máu.

Nghiên cứu ban đầu đã hoàn thành và nhóm chuyên gia đang tìm cách tiến hành những thử nghiệm tiếp theo với robot tí hon trong các môi trường giống thật hơn. Họ cũng sẽ nỗ lực để chứng minh rằng robot này có thể được sử dụng an toàn trong mạch máu của bệnh nhân.

Cập nhật: 14/01/2022 Theo VnExpress
  • 436