Nourish3D, một công ty có trụ sở tại Anh vừa ra mắt thiết bị in 3D, có thể in 7 lớp thực phẩm riêng biệt, theo nhu cầu của người dùng.
Không chỉ tự tạo ra được thực phẩm nhờ công nghệ in 3D, giờ đây, người dùng còn có thể tự sản xuất thực phẩm chức năng, sử dụng chính công nghệ tiên tiến này. Một công ty có trụ sở tại Anh mới đây đã cho ra mắt thiết bị in 3D, hỗ trợ việc tạo ra thực phẩm bổ sung, tùy theo nhu cầu của người dùng.
Công ty Nourish3D, có trụ sở tại Birmingham, Anh, đã trình làng thiết bị in thực phẩm chức năng 3D trước đông đảo người tham dự sự kiện “Tuần lễ Công nghệ Thực phẩm London”, diễn ra tại thủ đô của Anh Quốc từ ngày 25/5-27/5.
Khách hàng sẽ trả lời khảo sát trực tuyến xoay quanh lối sống và chế độ ăn uống của họ, để công ty xác định những loại vitamin và nguyên liệu mà họ cần. Khách hàng cũng có thể tùy chọn nguyên liệu từ một danh sách cung cấp sẵn.
Melissa Snover - Giám đốc điều hành công ty Nourish3D nói với phóng viên Reuters: “Nếu bạn ăn chay, bạn có thể thiếu sắt hoặc vitamin D. Nếu bạn thường xuyên chạy đường dài, bạn có thể sẽ cần đến những chất dinh dưỡng để bảo vệ khớp như glucosamine. Còn nếu bạn thường xuyên làm việc trước máy tính hoặc xem TV liên tục, bạn sẽ cần thêm vitamin A để bảo vệ đôi mắt”.
Melissa Snover - Giám đốc điều hành công ty Nourish3D (bên trái), chia sẻ về các sản phẩm
thực phẩm chức năng được in bằng công nghệ 3D.
Nourish3D tuyên bố, mình là công ty đầu tiên trên thế giới có thể in 7 lớp thực phẩm riêng biệt để tạo ra một loại thực phẩm chức năng hoàn chỉnh. Các lớp được gắn với nhau bằng một chất keo dính thuần chay.
7 lớp thực phẩm riêng biệt giúp tạo ra một loại thực phẩm chức năng hoàn chỉnh.
Để tạo vị ngọt, hợp chất Maltitol và chất làm ngọt tự nhiên được sử dụng thay thế cho đường.
Công nghệ này đã nhận được phản hồi tích cực từ phía những người trải nghiệm. 1 khách tham quan tham gia thử nghiệm sản phẩm in 3D chia sẻ: “Tôi không thể tin được là không hề có đường bên trong sản phẩm này. Vị rất ngọt, rất giống đường, nhưng lại hoàn toàn không có chút đường nào. Thật khó tin rằng đây là 1 sản phẩm được in từ công nghệ 3D. Rất đáng ngạc nhiên”.
Sản phẩm của Nourish3D sẽ chính thức được chào bán tại Anh vào tháng 8 tới, và bắt đầu nhắm vào thị trường kinh doanh thực phẩm chức năng khổng lồ của Mỹ vào đầu năm 2020.
Theo tạp chí Forbes, hàng nghìn ngành công nghiệp, từ xe hơi và không gian vũ trụ đến công nghiệp da giầy và nữ trang, đã ứng dụng công nghệ 3D để tạo ra các sản phẩm. Nghiên cứu chuyên sâu hàng năm Wohlers Report đã ước tính, in 3D sẽ phát triển thành ngành công nghiệp trị giá 5,2 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ mức 1,3 tỷ USD vào năm 2010.
Xây dựng cầu bằng công nghệ in 3D.
Chiếc bánh pizza in 3D do hãng BeeHex thực hiện.
Forbes cũng cho rằng, các chuyên gia trong ngành y tế đã đoán trước rằng, công nghệ in 3D sẽ được ứng dụng rộng rãi để sản xuất ra các cơ quan, bộ phận thay thế, hoặc sản xuất ra các loại thuốc. Công nghệ này tỏ ra rất hiệu quả khi sử dụng để sản xuất các loại hàng hóa có số lượng ít nhưng công dụng cao, như linh kiện máy bay hoặc các bộ phận giả để thay thế cho các bộ phận trên cơ thể con người.
Tay giả in 3D.
Hiện tại, công nghệ in 3D vẫn chủ yếu được các nhà sản xuất lớn sử dụng để tạo ra các loại máy móc thực sự, như là các linh kiện trong các nhà máy tự động.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ in 3D sẽ được dùng để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Có nhiều dự báo rằng, sẽ không lâu nữa, các hộ gia đình am hiểu về công nghệ có thể mua máy in 3D, cho phép họ sản xuất ra bất cứ gì họ muốn và giấc mơ của các nhà sáng tạo và doanh nghiệp sẽ thành sự thật.