Sợ Jakarta bị nhấn chìm, Indonesia làm dự án khổng lồ chắn biển

  •  
  • 534

Thủ đô Jakarta đang chìm nhanh hơn và hiện là siêu đô thị có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới với 25cm/năm. Indonesia đang triển khai siêu dự án tường chắn biển cho Jakarta để cứu thành phố.

Các chuyên gia dự đoán khoảng 1/3 TP Jakarta, đảo Java sẽ chìm vào năm 2050 nếu cơ quan chức năng không có giải pháp hiệu quả nào, trong khi lũ lụt thì ngày càng trầm trọng hơn, theo Hãng tin Bloomberg.

Tiêu tốn hàng chục tỉ USD

Bản vẽ mô tả dự án tường chắn biển của siêu đô thị Jakarta, Indonesia
Bản vẽ mô tả dự án tường chắn biển của siêu đô thị Jakarta, Indonesia - (Ảnh: NCICD).

Ngày 10-1, tại Jakarta, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto công bố kế hoạch mới nhất cho siêu dự án tường chắn biển ở Jakarta. Dự án sẽ bao gồm ba giai đoạn xây dựng kéo dài đến năm 2040, trong đó hai giai đoạn đầu cần 164,1 nghìn tỉ rupiah (10,5 tỉ USD). Ông Hartarto không đề cập đến kinh phí dự kiến cho giai đoạn ba.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết 50 - 60 tỉ USD là số tiền cần thiết cho dự án để giải quyết các mối lo ngại của Java.

"Hà Lan đã làm điều tương tự và họ mất 40 năm cho việc đó. Thách thức là phải có những nhà lãnh đạo chính trị có thể nhìn xa trông rộng và sử dụng tất cả nguồn lực trong thời gian từ 40 - 50 năm", ông Subianto nói.

Ý tưởng xây tường chắn biển đã tồn tại hơn một thập niên qua song mới được khởi động lại gần đây khi Jakarta trở thành TP có tốc độ chìm nhanh nhất thế giới do khai thác nước ngầm quá mức và phát triển đô thị, trong khi mức độ ngập lụt do thủy triều đã tăng lên tới 200cm/năm.

Nếu hoàn thành, dự án sẽ bao gồm việc xây dựng một con đê dọc sông và bờ biển dài 120km vào năm 2030, một bức tường chắn biển ở phía đông và tây Jakarta vào năm 2040, và một hồ chứa ở cuối tường chắn vào năm 2050.

Mục tiêu của Jakarta là hoàn thành giai đoạn đầu của chương trình xây dựng đê ven biển thuộc dự án Phát triển ven biển tổng hợp thủ đô quốc gia (NCICD) vào năm 2027. Cho đến nay, 13/46km đê biển theo kế hoạch đã hoàn tất.

Dự án tường chắn biển cũng nhằm giải quyết vấn đề cấp nước ở Jakarta, nơi vốn phụ thuộc vào việc khai thác nước ngầm. Bức tường này sẽ bao gồm một hồ chứa để trữ nước mưa, nước sông và cung cấp nước sạch cho TP.

Ông Hartarto ước tính lụt ở vùng ven biển Jakarta gây thiệt hại 2,1 nghìn tỉ rupiah/năm (135 triệu USD) và có khả năng tăng lên 10 nghìn tỉ rupiah/năm (642,7 triệu USD) trong thập niên tới.

 Dữ liệu tính đến ngày 20-1-2023.
Dữ liệu tính đến ngày 20-1-2023. (Nguồn: Earth.org - Dữ liệu: Anh Thư - Đồ họa: TUẤN ANH).

Vẫn còn nhiều lo ngại

Những ý kiến phản đối cho rằng siêu dự án tường chắn biển sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sinh thái và xã hội trong khu vực, họ kêu gọi chính phủ áp dụng cách tiếp cận thân thiện với môi trường hơn.

Để làm chậm tốc độ chìm và giảm áp lực với Jakarta, Indonesia đã hạn chế khai thác nước ngầm cũng như thúc đẩy tiến độ xây dựng thủ đô mới Nusantara trị giá 34 tỉ USD trên đảo Borneo.

Dù vậy, tại sự kiện ngày 10-1, một số chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường hơn để giảm mực nước triều dâng, theo Hãng tin Benar News.

Ý tưởng xây tường chắn biển cho Jakarta được đề xuất lần đầu vào năm 2010, song đã vấp phải sự phản đối của một số nhóm hoạt động môi trường và các chính trị gia địa phương cho rằng dự án sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người và gây tổn hại cho hệ sinh thái biển.

Liên minh các nhóm môi trường và xã hội có tên Maleh Dadi Segoro cho rằng thay vì giải quyết các vấn đề sụp lún và ngập lụt ven biển, dự án có thể sẽ thu hẹp ngư trường, đe dọa sinh kế của nhiều người vốn phụ thuộc vào biển.

Trong khi đó, quan sát viên quy hoạch TP Nirwono Joga của ĐH Trisakti nhận định nguyên nhân chính gây sụp lún ở ven biển phía bắc Java là do tình trạng khai thác nước ngầm không kiểm soát vì nguồn cung nước sạch hạn chế và nhu cầu nước lớn của các tòa nhà và ngành công nghiệp. Các xe tải hạng nặng cũng tăng thêm áp lực cho vùng đất phù sa ở ven biển phía bắc hòn đảo.

"Tại sao không chọn hoặc kết hợp với một cách tiếp cận thân thiện môi trường hơn, chẳng hạn như phục hồi vùng duyên hải Jakarta và trồng rừng ngập mặn như một rào chắn tự nhiên để giảm triều dâng và sóng thần - những cách rẻ hơn và dễ hơn?", ông Nirwono nêu kiến nghị.

Cập nhật: 15/01/2024 Tuổi Trẻ
  • 534