Sự kiện Tunguska, bí ẩn hơn một thế kỉ

  •   47
  • 31.205

Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại khu vực sông Tunguska, Nga vào ngày 30/6/1908 mà nguyên nhân đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Hơn 7 giờ sáng ngày 30 tháng 6 năm 1908, một vụ nổ rực sáng bầu trời quét sạch 80 triệu cây cối và vô số động vật trên diện tích hơn 2.000km² tại sông Tunguska, Nga. Đến nay nguyên nhân của sự kiện này vẫn còn là một bí ẩn.

Khi các nhà khoa học đến Tunguska, họ thấy những thân cây trơ trụi không hề có cành lá, chúng thẳng và trơn như những cây cột điện, dường như vụ nổ chỉ xé rách cành và lá cây chứ không hề phá nát thân cây. Nếu cho nổ một quả bom bên một thân cây, nó sẽ phá nát toàn bộ thân cây chứ không thể chỉ nhằm vào cành và lá cây như thể có tính toán trước.

Những thân cây trơ trụi sau vụ nổ
Những thân cây trơ trụi sau vụ nổ

Dường như đây là lí do phần nào mà người dân địa phương càng tin rằng họ đã bị trừng phạt, hoặc như một số người đã cho rằng đó là cuộc tấn công của người ngoài hành tinh. Tuy nhiên các nhà khoa học có thể giải thích việc này. Sự tác động của sóng cơ học quá nhanh dẫn đến việc cành và lá cây (yếu hơn) bị phá nát trước khi lực tác động làm gãy nát thân cây. Điều này được kiểm chứng sau sự kiện Tunguska 37 năm, khi quả bom nguyên tử đầu tiên nổ trên thành phố Hiroshima của Nhật Bản

Kịch bản cho sự kiện này được nhiều người tin tưởng nhất là cú va chạm của một sao chổi hay tiểu hành tinh với Trái Đất. Nhưng điều đáng nói là trên sông Tunguska, ngay cả ở vùng trung tâm của vụ nổ cũng không hề có dấu vết của va chạm cũng như những mảnh vụn còn sót lại của sao chổi hay tiểu hành tinh.

Các nhà khoa học đi đến giả định rằng sao chổi đã không hề va chạm với mặt đất, nó đã lao qua khí quyển Trái Đất với vận tốc hơn 50.000km/giờ, ma sát với không khí nóng, lớp vỏ của nó lên tới 44.500 độ F. Ở độ cao 8,5km, nhiệt độ này làm sao chổi/thiên thạch tự đốt cháy và phân hủy, nó nổ tung trên không với sức tàn phá tương đương với 185 quả bom nguyên tử đã nổ tại Hiroshima.

Đó là lí do tại sao những người chứng kiến nhìn thấy bầu trời sáng lên trước khi mọi thứ bị hủy diệt, và cũng vì thế mà không có những dấu vết của cú va chạm trên mặt đất. Nếu kịch bản này là đúng thì có vẻ như vẫn còn rất may mắn khi thiên thể đã tự phát nổ trên không vì với vận tốc và kích thước của nó nếu chạm đất, chắc chắn rằng những gì nó để lại sẽ còn ghê gớm hơn nhiều và chúng ta khó có thể tưởng tượng được mức độ thiệt hại nó gây ra cho không chỉ nước Nga mà có thể là toàn thế giới.

Tuy vậy kịch bản này vẫn còn một vấn đề là nó không giải quyết được triệt để việc không tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thể vì thật khó mà tin rằng một khối đá khổng lồ như vậy lại có thể cháy rụi trên không mà không còn dư một mảnh vụn nào.

Địa điểm xảy ra vụ nổ
Địa điểm xảy ra vụ nổ

Năm 2007, một nhóm các nhà khoa học đã tới hồ Cheko, một hồ nhỏ cách trung tâm của vụ nổ Tunguska khoảng 8km về hướng Bắc - Tây Bắc. Họ cho rằng một mảnh vụn của thiên thể đã phát nổ với kích thước khoảng 1 mét đã rơi xuống tạo nên hồ này. Kết quả tìm kiếm và phân tích cho thấy dưới hồ có sự tồn tại của vết lõm dạng nón và một lớp phù sa dưới đáy hồ chỉ có tuổi thọ khoảng 100 năm, trùng hợp với thời điểm xảy ra vụ nổ Tunguska, có vẻ như đã có một cú va chạm đúng như giả thuyết đề ra. vấn đề cuối cùng còn lại là vẫn không tìm thấy bất cứ mảnh vụn nào sót lại tại đáy hồ Cheko. Chỉ một vết lõm và tuổi của phù sa thì chưa đủ để khẳng định chắc chắn nó có liên quan tới vụ nổ trên không ở Tunguska.

Một kịch bản khác được một số nhà khoa học đề ra là một vụ nổ chỉ cách mặt đất một chút, độ cao rất nhỏ và có thể không phải xuất phát từ sao chổi hay tiểu hành tinh. Vào các thập kỉ 50 và 60 của thế kỉ 20, Liên Xô đã cho thử các vụ nổ hạt nhân trong rừng và thu được kết quả tương tực với các thân cây và tình trạng của mặt đất. Người ta giả định rằng có thể một biến cố nào đó về mật độ một số chất hóa học đã tạo ra một vụ nổ ở sông Tunguska. Tuy nhiên cơ chế chính xác cho nó thì vẫn không được mô tả cụ thể và cũng chưa có bằng chứng xác thực nào được tìm thấy.

Như vậy chúng ta thấy vụ nổ Tunguska giống như một vụ án trong xã hội của chúng ta mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản. Tất cả các kịch bản đều có vẻ có lý nhưng lại đều không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh cho kịch bản đó. Điều này làm cho sự kiện Tunguska trở nên càng bí ẩn hơn trước.

Mặc dù đa phần các nhà khoa học nói riêng cũng như dư luận nói chung tin vào kịch bản về cú va chạm của một sao chổi hoặc tiểu hành tinh thì việc thiếu những bằng chứng cuối cùng vẫn làm cho sự hiếu kì của nhân loại với sự kiện này không thể chấm dứt, ngay cả giả thuyết về sự tấn công của những người ngoài hành tinh cũng đã được một số người giàu trí tưởng tượng phác họa lại, mô tả nó là một vụ nổ do một loại vũ khí hủy diệt đặc biệt nên không hề để lại dấu vết.

Nhiều tờ báo trong nhiều năm qua không ngừng đưa những thông tin về việc nghiên cứu sự kiện này, thậm chí một vài năm gần đây không ít báo chí đã đưa tin rằng bí ẩn sự kiện này đã được giải quyết nhất là từ sau những nghiên cứu tại hồ Cheko.

Song trên thực tế, sau hơn 100 năm qua những câu hỏi về nguyên nhân của sự kiện đặc biệt này vẫn không thể chấm dứt, không chỉ vì tính bí ẩn của nó mà còn vì nó liên quan đến sự an toàn của nhân loại chúng ta.

Đặng Vũ Tuấn Sơn, (CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam)
  • 47
  • 31.205