Sữa lừa được người xưa coi là bài thuốc chữa bách bệnh, loại sữa tắm đẹp da được nữ hoàng Cleopatra dùng mỗi ngày.
Nữ hoàng Cleopatra (60-39 TCN) thời Ai Cập cổ đại, là nguồn cảm hứng vô tận cho hội họa và thi ca với vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Nữ hoàng ngâm mình, tắm trong sữa lừa mỗi ngày. Khoảng 7.000 con lừa được sử dụng để cung cấp đủ sữa tắm hàng ngày cho nữ hoàng.
Trong cuốn Naturalis Histori, chương 28 nói về các bài thuốc từ động vật, tác giả người Roma Pliny the Elder miêu tả: "Sữa lừa có tác dụng làm mờ vết nhăn trên mặt, dưỡng trắng, giúp da mềm mịn".
Các tài liệu lịch sử ghi lại Nữ hoàng Cleopatra không phải là người phụ nữ duy nhất tắm bằng sữa lừa. Loại sữa tắm nguyên chất này rất được ưa chuộng thời cổ đại như một phương pháp làm đẹp tự nhiên, giúp trẻ hóa làn da. Phụ nữ Ai Cập rất nghiêm túc thực hiện rửa mặt bằng sữa lừa 7 lần mỗi ngày.
Poppaea Sabina là vợ thứ hai của Hoàng đế Nero - vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Julius-Claudius huy hoàng trong lịch sử Đế quốc La Mã thế kỷ thứ nhất. Bà luôn mang theo một đàn lừa trong các chuyến đi dài ngày để thuận tiện có sữa tươi tắm hàng ngày.
Chị gái của Hoàng đế Napoleon nước Pháp thế kỷ 19, Pauline Bonaparte, là một người đẹp thích tắm bằng sữa lừa mỗi ngày để da rạng rỡ.
Tranh khảm "Cleopatra’s Milk Bath" (Bồn tắm Sữa của Cleopatra). (Ảnh: Acient Origins).
Bên cạnh tác dụng làm đẹp, sữa lừa còn được xem là thuốc chữa bách bệnh. Trong cuốn sách của mình, tác giả Pliny the Elder bổ sung khả năng chữa mệt mỏi, đau mắt, dạ dày, hen suyễn, các bệnh phụ khoa vào danh sách những bệnh có thể chữa trị bằng sữa lừa.
Bác sĩ người Hy Lạp Hippocrates năm 460-370 TCN, là người đầu tiên ghi chép lại những công dụng chữa bệnh của sữa lừa. Ông từng kê sữa lừa trong đơn thuốc cho các bệnh nhân gan, truyền nhiễm, cảm cúm, chảy máu mũi, ngộ độc, đau khớp...
Nhiều thế kỷ sau, sữa lừa vẫn được sử dụng như một bài thuốc quý. Theo Popular Science Monthly, đầu thế kỷ 19, nhiều bệnh viện tại Paris, Pháp, cho bệnh nhi mắc các bệnh bẩm sinh hoặc truyền nhiễm uống sữa lừa thay vì sữa dê để nhanh hồi phục. Những bệnh nhi được đưa đến các trang trại nuôi lừa, đầu dựa vào vai nữ y tá và uống từng giọt sữa được các y tá vắt trực tiếp từ đầu vú lừa.
Sữa lừa có thành phần gần giống sữa mẹ, với hàm lượng đường cao, hàm lượng chất béo thấp, giàu vitamin, có chất chống vi khuẩn hoạt động hiệu quả gấp 200 lần so với sữa bò, theo Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (FAO).
Ngày nay, sữa lừa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất kem dưỡng da và xà phòng.