Chính quyền Scotland thông báo họ lập một giải thưởng vật lý mang tên giáo sư Peter Higgs, người đầu tiên đề xuất giả thuyết về sự tồn tại của loại hạt mang tên ông.
Giải Peter Higgs sẽ là giải thưởng hàng năm dành cho học sinh có thành tựu nổi bật trong môn vật lý tại Scotland. Ông Alex Salmond, Thủ hiến của Scotland, sẽ chính thức công bố giải thưởng vào ngày mai.
Giáo sư Higss hy vọng giải thưởng mới sẽ kích thích đam mê khoa học của học sinh.
Giáo sư Peter Higgs.
"Tôi hoan nghênh việc cổ vũ những học sinh giỏi vật lý và hỗ trợ thế hệ nhà khoa học tương lai bằng cách trao giải thưởng như thế này", ông phát biểu.
Vào năm 1964, giáo sư Higgs cùng một số nhà vật lý khác đề xuất một giả thuyết để giải thích nguyên nhân khiến mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. Theo giả thuyết này, một loại hạt đã tạo ra khối lượng cho vật chất. Do Higgs là người đầu tiên công bố giả thuyết, giới khoa học gọi loại hạt ấy là hạt Higgs. Ngoài ra người ta còn gọi nó là "hạt của Chúa".
Hạt Higgs giúp loài người giải thích tại sao các hạt cơ bản (như quark, lepton, boson) có khối lượng - một đặc tính cho phép chúng liên kết với nhau nhờ lực hấp dẫn để tạo nên các ngôi sao, hành tinh, nước, đá, khí. Nếu các hạt cơ bản không có khối lượng, chúng sẽ chuyển động hỗn độn trong vũ trụ với vận tốc ánh sáng và chẳng tạo nên bất kỳ dạng vật chất nào. Trong trường hợp đó vũ trụ sẽ là một khối hỗn loạn giống như bát súp.
Hàng nghìn nhà khoa học đã tham gia nỗ lực tìm kiếm hạt Higgs trong suốt 5 thập kỷ qua. Hồi tháng 7, Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo họ phát hiện một loại hạt có đặc điểm rất giống hạt Higgs nhờ những vụ va chạm trực diện giữa các luồng hạt trong máy gia tốc hạt lớn ở biên giới Thụy Sĩ và Pháp.
Sau thông báo của CERN, dư luận dự đoán Higgs sẽ trở thành một trong những người đoạt giải Nobel trong tương lai. Thậm chí nhiều người còn kêu gọi hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ cho vị giáo sư 84 tuổi.