Nhiều người dân cho rằng, sử dụng sừng tê giác có thể chữa ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, không có bằng chứng nào chứng minh sừng tê giác chữa được ung thư.
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc hiện bị coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, sừng tê giác không chỉ được sử dụng như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, từ say rượu đến ung thư, mà còn thể hiện đẳng cấp xã hội.
Rất nhiều người đã xem sừng tê là một “cứu cánh” cho bệnh ung thư và lao vào tìm mua cho bằng được với niềm tin mù quáng.
Chính vì vậy, số lượng tê giác bị giết hại ở Nam Phi đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Qũy quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), tại Nam Phi vào năm 2007 chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết hại thì con số này đã lên tới 1.215 cá thể vào năm 2014. Trong nửa đầu năm 2015, ít nhất 749 cá thể tê giác đã bị giết tại Nam Phi.
Tại Ấn Độ, từ năm 2010 đến năm 2014 đã có khoảng 107 cá thể tê giác bị giết. Đây là hai quốc gia có số lượng tê giác lớn nhất châu Phi và châu Á. Theo ước tính, hiện nay ở Nam Phi có khoảng 20.000 cá thể (gồm cả tê giác trắng và đen) và ở Ấn Độ có khoảng 2.900 cá thể tê giác một sừng.
Tê giác có nguy cơ bị tuyệt chủng vì ngộ nhận "thần dược" chữa bệnh của con người. (Ảnh minh họa).
Mỗi ngày, Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác. Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời.
Nghiên cứu của Tổ chức phi chính phủ quốc tế TRAFFIC cho thấy 90% sừng tê giác được bán tại Việt Nam là giả.
GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ, nhiều nhà nghiên cứu y khoa trên thế giới đã khẳng định, bột sừng tê giác không có tác dụng điều trị bệnh ung thư.
“Bệnh nhân nghe theo bác sĩ và các phương pháp chính quy hiện đại bởi ung thư nếu biết sớm sẽ trị lành. Việc mù quáng sử dụng sừng tê giác sẽ khiến cho bệnh nhân chậm trễ trong việc chữa trị” - BS Hùng nói.
Ở khía cạnh Đông y, TS Trương Thị Ngọc Lan, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khẳng định, sừng tê giác trong Đông y thuộc nhóm các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoàn toàn có thể thay thế bằng các vị thuốc đơn giản khác chi phí thấp hơn và có tác dụng tốt hơn.
Còn BS. thầy thuốc ưu tú Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM khuyến khích việc đưa sừng tê giác ra khỏi danh mục thuốc để phần nào tránh những ngộ nhận về tác dụng của sừng tê giác.
BS CKI Trần Hữu Vinh- Trưởng phòng quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, sử dụng sừng tê giác trong một số trường hợp bị ngộ nhận là có tác dụng khi có dấu hiệu các triệu chứng thuyên giảm.
“Tuy nhiên, đó không phải là chữa bệnh mà chỉ làm suy giảm triệu chứng. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm vì cản trở các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời” - BS Vinh chia sẻ.
Th.s Lê Ngọc Thanh - Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, sừng tê giác là một vị thuốc, và thường nằm trong các bài thuốc chứ không bao giờ sử dụng độc vị ( dùng riêng).
Sừng tê giác chỉ là một vị thuốc có tác dụng như sừng trâu và các sừng khác, nhưng người buôn lậu sừng tê đã đồn thổi công dụng khiến cho giá cả của sừng tê giác vượt lên rất nhiều so với giá trị y học thật sự của nó”- Th.s Thanh khẳng định.