Các nhà khoa học giải đáp câu đố bí ẩn về sừng tê giác

  •   2,73
  • 5.925

Sừng tê giác đã từ lâu là những biểu tượng của các tín ngưỡng thần thoại. Một số nền văn hóa quý trọng chúng vì cho rằng chúng có những đặc tính thần diệu và có thể chữa được bệnh. Một số khác lại dùng chúng làm tay cầm dao găm hay bùa may mắn. Nhưng cuộc nghiên cứu mới đây của trường Đại học Ohio lấy đi một ít không khí thần bí bằng cách giải thích làm thế nào mà sừng tê giác lại có được nét cong đặc trưng và đầu sừng rất nhọn.

Các nhà khoa học đã khám phá ra những chi tiết mới về thành phần cấu trúc cấu tạo nên sừng tê giác và vai trò của những chất này trong việc phát triển hình dạng đặc trưng của sừng.

Hình vẽ hộp sọ tê giác với hình chụp CT sừng tê giác ở vị trí của chúng. Phần màu đỏ hơn đại diện cho các phần dày đặc hơn.

Hình vẽ hộp sọ tê giác với hình chụp CT sừng tê giác ở vị trí của chúng. Phần màu đỏ hơn đại diện cho các phần dày đặc hơn. (Ảnh: Sciencedaily.com)

Sừng của hầu hết các động vật đều có một lõi xương được bao bọc bởi một lớp sừng, chất này cũng giống như lông và móng. Tuy nhiên, sừng tê giác thì độc nhất vô nhị vì chúng được cấu tạo hoàn toàn từ chất sừng. Các nhà khoa học đã từng bối rối trước sự khác biệt này, nhưng cuộc nghiên cứu của trường Đại học Ohio giờ đây đã tiết lộ một manh mối thú vị: đó là những đốm đen chạy xuyên qua trung tâm của sừng.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra đầu của những con tê giác chết do nguyên nhân tự nhiên và được hiến bởi Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Cumberland, Ohio và sở thú Phoenix. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp CT những chiếc sừng tê giác ở Bệnh viện tưởng niệm O’Bleness tại Athens và phát hiện ra lớp khoáng vật dày đặc cấu tạo từ canxi và hắc tố nằm ở giữa.

Các nhà khoa học cho biết các lớp canxi làm cho lõi sừng cứng hơn và chắc hơn, còn hắc tố giúp bảo vệ lõi không bị hủy hoại bởi các tia cực tím của ánh nắng mặt trời. Phần bên ngoài sừng mềm hơn trở nên yếu đi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có được hình dạng đặc trưng do sừng va chạm và bị cọ xát với mặt đất và thảm thực vật. Kết cấu của sừng tê giác tương tự như lõi chì rắn chắc và lớp gỗ bên ngoài mềm hơn của một cây bút chì mà cho phép sừng được mài thành một đầu nhọn.

Cuộc nghiên cứu cũng chấm dứt sự suy đoán rằng sừng đơn giản chỉ là một chùm lông biến thể thành.

Tobin Hieronymus, một nghiên cứu sinh về các khoa học sinh vật học và là tác giả dẫn đầu của cuộc nghiên cứu cho biết: “Những chiếc sừng này thì gần giống với móng ngựa, mõm rùa và mỏ vẹt mào nhất. Điều này có thể liên quan đến độ bền của những vật liệu này mặc dù cần có thêm nghiên cứu trong lĩnh vực này.


Cuộc nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng những đốm hắc tố và canxi xuất hiện trong những đợt tăng trưởng hằng năm nhưng những ảnh hưởng của nhiệt độ, chế độ ăn uống và sự căng thẳng lên sự phát triển đó vẫn chưa được biết đến. Kết quả cuộc nghiên cứu về sự tăng trưởng của sừng có thể thu hút sự quan tâm của các nhóm bảo tồn mà mục tiêu của họ là đẩy mạnh số tê giác và giảm nạn săn bắn trộm sừng để bán cho chợ đen.

Lawrence Witmer, giáo sư khoa giải phẫu thuộc Hội y học về thuật nắn xương của trường Đại học Ohio và là giám đốc của đề án cho biết: “Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện của chúng tôi sẽ giúp xua tan đi cái nhìn dân gian về sừng tê giác. Chúng ta càng biết rõ về chiếc sừng này, chúng ta càng có thể hiểu và trông nom tốt hơn số tê giác trong thiên nhiên và đang bị bắt giữ.”

Tạp chí Hình thái học đã xuất bản những phát hiện của cuộc nghiên cứu trong số báo tháng 10. Witmer và Ryan Ridgely là đồng tác giả của cuộc nghiên cứu mà được tài trợ bởi Quỹ tài trợ Khoa học Quốc gia và được tiến hành với sự giúp đỡ của Bệnh viện tưởng niệm O’Bleness ở Athens, trường Đại học Ohio, Khu bảo tồn động vật hoang dã và Khu bảo tồn động vật Ohio.

Ngọc Kim Tuyến

Theo ScienceDaily, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 2,73
  • 5.925