Tại sao các phiên bản Android lại được đặt tên theo đồ tráng miệng ngọt?

  •  
  • 4.843

Lý do tại sao các phiên bản Android lại được đặt tên theo đồ tráng miệng ngọt? Phải chăng vì Google cho rằng Android chính là món quà chiều ngọt ngào nhất tới người dùng?

Ý nghĩa của cách đặt tên theo món tráng miệng ngọt

Theo kỹ sư Android Jean-Baptiste Queru nói với trang Android Police năm 2012, dù mọi phiên bản khác của Android đều được đặt tên mã theo một loại kẹo ngọt hay món tráng miệng nào đó, nhưng phiên bản đầu tiên của Android OS (1.0) được công bố hồi tháng 9/2008 lại không có bất kỳ tên mã nào, cả nội bộ lẫn công khai. Android 1.1, ra mắt tháng 2/2009, dù chưa có tên mã công khai nhưng nhiều báo cáo cho rằng nội bộ đội ngũ đã sử dụng code name “Petit four” cho hệ điều hành (một loại bánh gato nhỏ của Pháp).

Phải mãi đến lượt phát hành của Android 1.5, vài tháng sau vào tháng 4/2009, Android mới chính thức có tên hiệu Cupcake. Ý tưởng lấy tên các món ăn vặt ngọt ngào đặt cho từng phiên bản Android lớn bắt nguồn từ giám đốc dự án tại Google, Ryan Gibson, nhưng lý do cụ thể anh chọn làm như vậy giờ vẫn chưa ai biết. Về sau, khi Google phát hành Android 4.4 KitKat, hãng đã đưa ra lời giải thích “chính thức” cho phong cách đặt tên hiệu phiên bản OS của mình rằng: “Vì những thiết bị chạy Android khiến cuộc sống của bạn trở nên ngọt ngào hơn, các phiên bản chạy Android sẽ được đặt tên theo một món tráng miệng ngọt”.

Vậy còn logo Android?

Logo Android là một chú robot “lai” con bọ màu xanh lá.
Logo Android là một chú robot “lai” con bọ màu xanh lá.

Logo đã quá đỗi quen thuộc với giới mê công nghệ, hình một chú robot “lai” con bọ màu xanh lá, được tạo ra bởi Irina Blok khi cô còn làm ở Google. Cô nói rằng yêu cầu duy nhất cô nhận được từ đội ngũ thiết kế Google đó là tạo ra một logo trông giống robot. Irina còn nói thêm rằng thiết kế cuối cùng được lấy cảm hứng một phần từ những logo gắn trên cửa phòng… WC “Nam” và “Nữ”.

Tại sao Google lại dùng tượng để kỷ niệm các bản cập nhật Android?

Như đã nói ở trước, phiên bản đầu tiên của Android có tên là Cupcake. Khi Google hé lộ code name hằng năm, hãng luôn sắp xếp vị trí cho một bức tượng mới tượng trưng cho tên hiệu đó tại Trung tâm dành cho Khách tham quan của mình tại Moutain View, California.

Năm 2015, kênh YouTube Nat and Friends đã quay vlog lại và hé lộ việc một đội ngũ nghệ thuật nhỏ tại New Jersey đang làm công việc thiết kế tượng Android thường niên, bao gồm cả logo chú robot lẫn các phiên bản món tráng miệng tượng trưng cho mã hiệu từng phiên bản Android từ Cupcake (1.5) tới Oreo (8.0).

Android 1.5 Cupcake

Android 1.5 Cupcake
Đây là phiên bản Android đầu tiên có mã hiệu.

Đây là phiên bản Android đầu tiên có mã hiệu, bản cập nhật mở ra thêm nhiều chức năng và cải thiện hiệu suất, bao gồm trong đó nhiều tính năng chúng ta coi như "mặc định" ngày nay: upload một đoạn video lên YouTube, hay tự động xoay màn hình theo hướng người dùng xoay thiết bị, hoặc hỗ trợ cho bàn phím bên thứ ba.

Android 1.6 Donut

Android 1.6 Donut
Donut ngoài ra còn giới thiệu Power Control widget để quản lý Wifi, Bluetooth, v.v…

Google nhanh chóng phát hành Android 1.6 Donut vào tháng 9/2009, một vài tính năng mới có trên Donut gồm hỗ trợ cho các nhà mạng sử dụng mạng lưới CDMA, cho phép điện thoại Android được bán ra tại tất cả các nhà mạng trên toàn cầu.

Các tính năng khác bao gồm Quick Search Box, chuyển qua lại nhanh giữa Camera, Camcorder và Gallery để tối ưu hóa trải nghiệm ghi/chụp hình. Donut ngoài ra còn giới thiệu Power Control widget để quản lý Wifi, Bluetooth, v.v…

Android 2.0-2.1 Eclair

Android 2.0-2.1 Eclair
Phiên bản này giới thiệu tính năng Text-to-Speech, cùng hình nền động và hỗ trợ đăng nhập nhiều tài khoản.

Tháng 10/2009, khoảng một năm sau Android 1.0, Google phát hành Android 2.0 có tên mã Eclair (một loại bánh ngọt xuất xứ từ Pháp có hình thuôn dài và có nhân kem bên trong). Phiên bản này giới thiệu tính năng Text-to-Speech, cùng hình nền động và hỗ trợ đăng nhập nhiều tài khoản. Chưa hết, Eclair còn mang đến chỉ dẫn đường Google Maps cùng nhiều tính năng và cải tiến khác.

Chiếc Motorola Droid là smartphone đầu tiên cài đặt sẵn Android 2.0 từ khi xuất xưởng, Droid cũng đánh dấu smartphone Android đầu tiên được nhà mạng Verizon Wireless bán ra. Google được dùng cái tên “Android” để đặt cho hệ điều hành của mình, nhưng còn với Motorola, hãng đã phải trả tiền cho Lucasfilm - một hãng phim phụ trách sản xuất bộ phim Star Wars nổi tiếng do từ “Droid” thời điểm đó gợi nhớ quá nhiều đến series phim Star Wars của Lucasfilm. Motorola sau đó đã tiếp tục dùng cái tên Droid cho tới tận cuối năm 2016.

Android 2.2 Froyo

Android 2.2 Froyo
Android 2.2 Froyo đánh dấu sự ra đời của smartphone đầu tiên gắn mác Google.

Ra mắt tháng 5/2010, Android 2.2 Froyo (viết tắt cho “frozen yogurt” - sữa chua đá) mang lại tính năng phát Wi-fi, push notifications và dịch vụ Android Cloud to Device Messaging (C2DM), hỗ trợ flash, v.v…

Android 2.2 Froyo đánh dấu sự ra đời của smartphone đầu tiên gắn mác Google, chiếc Nexus One - ra mắt với Android 2.1 nhưng nhanh chóng được nhận bản cập nhật OTA lên Froyo 2.2 cuối năm đó. Cột mốc này đánh dấu một hướng tiếp cận mới cho Google, với việc công ty đang tiến gần hơn bao giờ hết tới nhà sản xuất HTC để phô diễn sức mạnh của Android gốc (Android không bị tùy biến bởi nhà sản xuất bên thứ ba).

Android 2.3 Gingerbread

Android 2.3 Gingerbread
Google thống kê rằng chỉ 0,6% smartphone Android đang chạy phiên bản này.

Android 2.3 ra mắt tháng 9/2010 và hiện là phiên bản cũ nhất vẫn còn trong danh sách cập nhật hằng tháng của Google. Tính đến ngày 13/9/2017, Google thống kê rằng chỉ 0,6% smartphone Android đang chạy phiên bản này.

Phiên bản Gingerbread chứng kiến một thay đổi lớn về giao diện người dùng, cùng với đó là hỗ trợ thêm công nghệ giao tiếp tầm gần NFC. Điện thoại đầu tiên có Gingerbread lẫn NFC là Nexus S, vốn là sản phẩm từ cái bắt tay giữa Google và Samsung. Gingerbread còn đặt nền móng cho selfie, bằng việc hỗ trợ nhiều camera và video chat với Google Talk.

Android 3.0 Honeycomb

Android 3.0 Honeycomb
Đây được xem là phiên bản Android “dị” nhất của Google.

Đây được xem là phiên bản Android “dị” nhất của Google. Honeycomb được phát hành chỉ cho các máy tính bảng và thiết bị di động màn hình kích thước lớn. OS này được giới thiệu lần đầu năm tháng 2/2011, cùng với tablet Motorola Xoom, bao gồm một giao diện được thiết kế lại chuyên dụng hơn cho màn hình kích thước lớn, cùng với thanh notification bar đặt ở đáy màn hình thiết bị, v.v….

Ý tưởng của Honeycomb là cung cấp thêm những chức năng vốn dĩ không hiệu quả trên những màn hình nhỏ của các smartphone thời bấy giờ. Đây cũng được xem là câu trả lời của Google trước việc Apple ra mắt iPad. Dù vậy, ngay cả sau khi Honeycomb đã được phát hành, số tablet vẫn cài các phiên bản Android dành cho smartphone 2.x từ trước đó. Sau cùng, Honeycomb tỏ ra thừa thãi và cuối cùng Google cũng quyết định tích hợp mọi tính năng của Honeycomb lên Android 4.0.

Android 4.0 Ice Cream Sandwich

Android 4.0 Ice Cream Sandwich
ICS kết hợp nhiều tính năng tablet từ Honeycomb cùng khuynh hướng smartphone của Gingerbread.

Ra mắt hồi tháng 10/2011, Ice Cream Sandwich bổ sung thêm một loạt các tính năng mới tới người dùng. ICS kết hợp nhiều tính năng tablet từ Honeycomb cùng khuynh hướng smartphone của Gingerbread. Ice Cream Sandwich còn cho phép mở khóa điện thoại bằng cách dùng camera chụp một bức ảnh của chủ nhân (phải, Galaxy S8 không phải là smartphone đầu tiên có mở khóa bằng khuôn mặt, tính năng này đã có trên Android từ năm 2011).

Một thay đổi đáng chú ý của ICS đó là hỗ trợ cho phím điều hướng trên màn hình, cử chỉ vuốt để xóa thông báo và tab trên trình duyệt, cuối cùng là khả năng quản lý lượng dữ liệu người dùng sử dụng qua 3G và Wi-Fi.

Android 4.1 Jelly Bean

Android 4.1 Jelly Bean

Đánh dấu sự ra đời với chiếc máy tính bảng Nexus 7 do Asus sản xuất.

Về giao diện, không có nhiều thay đổi so với Android 4.0, vẫn là màn hình chính với thanh dock bên dưới quen thuộc. Sự xuất hiện của Google Now cho thấy rằng Google đã bắt đầu bước chân vào việc cạnh tranh với Siri.

Trên Android 4.1 bạn có thể tìm kiếm bằng giọng nói và các kết quả trả không chỉ đơn giản là những dòng tìm kiếm nữa mà nó được thiết kế theo dạng thẻ đồ họa, thông minh hơn, trực quan hơn. Không chỉ tìm kiếm theo yêu cầu. Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết của Jelly Bean không phải là về giao diện hay ứng dụng mới mà về Project Butter giúp mang lại độ mượt chưa từng có cho Android.

Android 4.2 Jelly Bean

Android 4.2 Jelly Bean

Ngày 30/10/2012, Google chính thức tuyên bố cập nhật hệ điều hành Android của hãng lên phiên bản 4.2 và vẫn giữ nguyên tên gọi "Jelly Bean" (có nghĩa là kẹo dẻo đậu). Được hãng gọi là "một hương vị mới của Jelly Bean", Android 4.2 mang trong mình nhiều tính năng mới như hỗ trợ Miracast, bàn phím có thể nhập liệu bằng cách vẽ các đường nét từ kí tự này đến kí tự khác, chế độ chụp ảnh toàn cảnh Photo Sphere, ứng dụng Gmail mới và còn rất nhiều thứ khác nữa.

Một cải tiến lớn và quan trọng của Android 4.2 đó là việc hỗ trợ nhiều tài khoản người dùng trên máy tính bảng để có thể dễ dàng chia sẻ trong gia đình hoặc nơi làm việc. Mỗi tài khoản sẽ có dữ liệu app của riêng họ. Ví dụ, người dùng A cài game Angry Birds, người này chơi và đã ghi được một số điểm cũng như lên được màn cao hơn. Khi người B sử dụng máy bằng tài khoản khác, game này vẫn hiện diện trên máy nhưng dưới dạng một bản cài mới, không có sẵn data của người A.

Android 4.3 Jelly Bean

Android 4.3 Jelly Bean

Lại thêm một thế hệ Jelly Bean nữa và lần này là Android 4.3. Ngày 24/7/2013, Google đã chính thức ra mắt hệ điều hành này song song với chiếc Nexus 7 (2013). Đây là phiên bản Android mới nhất đang có mặt trên thị trường và đi kèm những tính năng mới như hỗ trợ kết nối Bluetooth Smart, bộ API OpenGL ES 3.0, bổ sung tính năng sử dụng Wi-Fi để định vị ngay cả khi người dùng tắt kết nối này đi cùng nhiều thay đổi lớn nhỏ khác.

Bên cạnh tính năng Multi User của Android 4.2 như đã nói ở trên, Google bổ sung thêm một tính năng mới cho Android 4.3 đó là Restricted Profile. Mỗi thành viên sẽ có một "hồ sơ" riêng của mình và chỉ có thể làm được những gì được chỉ định trong "hồ sơ". Ví dụ, cha mẹ có thể khóa tính năng in-app purchase của một ứng dụng nào đó để ngăn con trẻ vô tình mua hàng trăm USD. Ngoài ra, khi áp dụng vào môi trường doanh nghiệp thì nó sẽ cho phép người quản trị phân quyền cho nhân viên dễ dàng hơn.

Android 4.4 Kitkat

Android 4.4 KitKat

Thế hệ kế tiếp của Android là Android 4.4 và không còn mang tên Jelly Bean nữa mà gọi là KitKat. Nếu như bạn chưa biết thì KitKat là một loại bánh xốp bọc chocolate của hãng Nestle. Cách đặt tên này cũng hoàn toàn khớp với trình tự chữ cái mà các phiên bản Android sử dụng làm tên mã.

Google tiết lộ thêm rằng: "mục tiêu của chúng tôi với Android KitKat đó là mang trải nghiệm Android đáng kinh ngạc đến cho mọi người". Android Kitkat xuất hiện đầu tiên trên chiếc smartphone Nexus 5. Những cải tiến trên Android Kitkat bao gồm Chế độ toàn màn hình – Immersive Mode, Hiệu ứng chuyển cảnh màn hình -Transition Manager, Storage Access Framework, Chromium WebView, NFC,Cổng hồng ngoại – Infrared Blasters …

Giao diện: Tông màu chủ đạo của font chữ là xanh và đen được sử dụng trên Android Jelly Bean được Google thay đổi bằng tông màu đen và ghi trên Android 4.4 Kitkat vừa ra mắt, thể hiện rõ ở các dòng chữ trên thanh thông báo Notification. Bên cạnh đó, Android Kitkat cũng có bộ biểu tượng, folder mới, giao diện nhìn chung được làm phẳng bớt, loại bỏ các chi tiết đổ bóng và thêm hiệu ứng trong suốt vào nhiều phần, như ba phim ảo bên dưới hay thanh thông báo ở phía trên.

Dù là phiên bản mới, Android 4.4 Kitkat lại không đòi hỏi cấu hình phần cứng mạnh hơn, thậm chí hỗ trợ tốt cả những thiết bị cũ với phần cứng không cao, như có RAM chỉ đạt dung lượng 512 MB. Hệ điều hành mới được Google tối ưu khả năng hoạt động, cho hiệu năng cao hơn tới 1,6 lần phiên bản trước.

Android 5.0 Lollipop

Android 5.0 Lollipop

Sau hơn một năm Android 4.0 KitKat ra mắt, Google đã chính thức trình làng phiên bản hậu duệ mới nhất với tên gọi Android Lollipop, được đánh giá là hệ điều hành có những thay đổi rõ rệt và đáng kể nhất trong lịch sử Android từ trước đến nay.

Thiết kế "Material" mới: Ngôn ngữ đồ họa mới của Android được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, vật lý và phong cách đậm, đổ bóng giống như in ấn. Nói cách khác, đó là một thiết kế dựa trên những đặc tính của giấy.

Các tính năng khác cũng được cải tiến như: thiết kế báo nhắc hoàn toàn mới, hỗ trợ chip 64 bit và cải thiện thời lượng pin.

Android 6.0 Marshmallow

Vào ngày 5/10/2015 thì Google đã giới thiệu đến người dùng phiên bản Android kế tiếp với mã hiệu Marshmallow (kẹo dẻo) với những thay đổi đợt cập nhật này tuy nhỏ nhưng thiên về xu hướng hoàn thiện tương tác người dùng, cho một trải nghiệm tuyệt vời hơn.

Android 6.0 Marshmallow

Về mặt giao diện người dùng, màn hình chính trên Android M có vẻ có khá ít thay đổi so với phiên bản trước ngoại trừ logo Google, tuy nhiên khi bạn vào trong Menu ứng dụng bạn có thể thấy khá nhiều thay đổi. Các ứng dụng được bố trị và cuộn xuống theo chiều dọc, ở phía trên cùng là thanh tìm kiếm và có một điểm thú vị là máy sẽ tự động gợi ý cho bạn 4 apps để sử dụng tùy theo từng địa điểm mà bạn đang ở.

Tính năng mới Now on Tap: khi ở màn hình của bất kỳ ứng dụng (ví dụ trình duyệt web) đang hiển thị thông tin, bạn có thể giữ nút home và máy sẽ bắt đầu "quét" những thông tin đang được hiển thị trên màn hình, gửi về Google và Google sẽ phản hồi lại cho bạn những thông tin, gợi ý có ích liên quan. Việc tích hợp Google theo cách này nâng trải nghiệm người dùng lên một tầm cao mới.

Tiết kiệm năng lượng hơn: Khi ở trạng thái không sử dụng, điện thoại Android đốt pin khá nhiều nếu so sánh với các điện thoại hệ điều hành khác. Google đã cho ra đời chế độ Doze để giải quyết vấn đề về pin chờ điện thoại này. Khi máy bạn không được sử dụng, chế độ Doze sẽ được kích hoạt và sẽ hoạt động hơi giống như khi bạn bật chế độ Airplane trên điện thoại vậy: không kết nối, không thông báo, không có bất kỳ việc chạy ứng dụng nào diễn ra trong quá trình này để đảm bảo cho máy ở trạng thái tiết kiệm năng lượng tối đa có thể. Chỉ một số thông báo quan trọng như cuộc gọi, báo thức, tin nhắn là có thể hiển thị trong trạng thái Doze này.

Ngoài ra Android 6. cũng mang lại cho người dùng một số tính năng mới như: sử dụng thẻ SD cắm ngoài như bộ nhớ trong hay chính thức hỗ trợ nhận diện vân tay và Google Pay.

Android 7.0 Nougat

Android 7.0 Nougat được Google tung ra vào ngày 22 tháng 8 năm 2016 và những thiết bị Nexus sẽ là những chiếc smartphone đầu tiên được cập nhật phiên bản mới này. Tên gọi chính thức của phiên bản Android 7.0 đã được Google xác nhận, đó chính là một loại kẹo truyền thống có tên Nougat.

Android 7.0 Nougat

Android 7.0 hỗ trợ một số tính năng mới đáng kể như:

Hỗ trợ Menu chuyển đổi nhanh giữa các cài đặt hệ thống: Một menu hamburger (biểu tượng dấu 3 gạch nằm ngang) đã được thêm vào Cài đặt của hệ thống. Ví dụ như khi bạn đang trong phần cài đặt Bluetooth bạn có thể nhanh chóng chuyển đến các cài đặt khác của hệ thống bằng cách sử dụng Menu bên trái này.

Trả lời nhanh tin nhắn từ thanh thông báo: Trong những bổ sung mới, thì đây là tính năng mới mẻ và khá giống với hệ điều hành iOS của Apple. Tin nhắn có thể được trả lời nhanh từ thông báo của chính nó. Với tính năng này người dùng không cần phải rời khỏi ứng dụng hiện tại để trả lời một tin nhắn hoặc thậm chí là mở khóa điện thoại.

Chế độ chia đôi màn hình: Cuối cùng thì Google đã thêm tính năng vào Android 7.0, đây là tính năng mà bạn thường thấy trên các máy tính bảng, các dòng điện thoại của Samsung hay LG. Người dùng có thể chia màn hình thành 2 phần, sử dụng 2 ứng dụng song song cùng 1 lúc. Và bạn còn có thể tùy chọn kích thước cửa sổ cho mỗi ứng dụng bằng cách kèo thanh màu đen giữa 2 ứng dụng sang trái hoặc phải, lên hoặc xuống.+

Trung tâm thông báo được làm mới: Trung tâm thông báo đã được google thiết kế lại. Các biểu tượng, phím tắt trên thanh thông báo được thu gọn và nổi bật hơn, bạn có thể mở rộng các phím tắt bằng phím mũi tên phía bên trái góc trên màn hình. Các thông báo chung từ 1 ứng dụng bây giờ đã được tối ưu gộp lại với nhau thành 1 dòng duy nhất và bạn có thể mở rộng bằng cách sử dụng nút mũi tên hoặc thao tác với 2 ngón tay. Giúp tối ưu hóa không gian trong trung tâm thông báo.

Ngoài ra còn một số tính năng đáng chú ý như: hỗ trợ chế độ thực tế ảo với VR, tích hợp chế độ tiết kiệm dữ liệu, chế độ tiết kiệm pin Doze được cải tiến...

Android 8.1 Oreo

Android 8.1 Oreo

Vào ngày 28, Google phát hành bản xem trước thứ hai của Android 8.1 Oreo với một số cải tiến đáng chú ý. Phiên bản mới của hệ điều hành Android lớn đầu tiên sẽ đến với điện thoại Pixel của Google, đặc biệt là Pixel 2 và Pixel 2 XL mới ra mắt.

Giao diện quản lý pin đã trải qua nhiều cải tiến nhỏ và sẽ giám sát tốt hơn các ứng dụng tiêu thụ năng lượng pin. Hiện nay, giao diện cũng đã cho chúng ta thấy những ứng dụng đang ngốn nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra với Android 8.1 Oreo, một cảnh báo sẽ được gửi đến người dùng với các chi tiết của việc sử dụng pin của ứng dụng. Thông báo này sẽ xuất hiện trên thanh thông báo và trên màn hình khóa.

Google đang tối ưu hóa một số chi tiết của giao diện Android Oreo. Hệ thống này có thể nhận được màu sắc tối hơn trên các menu chính, widget và Dock trung tâm khi một hình nền màu đen được áp dụng.

Tối ưu hóa cho các mô hình với 1GB RAM: Đó là một chút táo bạo để nói rằng mô hình 1GB sẽ nhận được Android 8.1 Oreo và Google đang cố gắng hết sức mình. Nó chỉ ra rằng Google đang làm việc để cho phép điện thoại thông minh là một phần của Android Go với chỉ 1GB RAM. Tất nhiên, các phiên bản phần mềm này sẽ đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất thiết bị không hề bị ảnh hưởng về tổng thể.

Bên cạnh đó Android 8.1 Oreo mang lại những cải tiến sau:

  • Một widget lịch mới.
  • Cài đặt trung tâm kiểm soát hơi trong suốt.
  • Các 'Cử chỉ' được nhấn mạnh trong các thiết lập hệ thống.
  • Bạn có thể xem mức pin các phụ kiện Bluetooth kết nối với hệ thống.
  • Cải thiện hệ thống tự động điền mật khẩu.
  • Menu khởi động lại đã được thiết kế lại,
  • Phần "Trợ giúp và Hỗ trợ" đã được thiết kế lại.
Cập nhật: 13/02/2018 Theo ictnews
  • 4.843