Tại sao chúng ta dùng cử chỉ tay khi nói chuyện?

  •  
  • 1.834

Cử chỉ tay đi kèm với lời nói giúp chúng ta giao tiếp. Cùng với đó, các nhà khoa học cũng cho rằng những cử chỉ này dường như cũng quan trọng để giúp chúng ta biến suy nghĩ của mình thành những từ và câu có ý nghĩa.

Trong một buổi biểu diễn opera, nhạc trường thường đứng trước dàn hợp xướng và bắt đầu cử động tay của mình. Đôi khi họ đưa 2 tay lên cao, hoặc một tay thấp, một tay cao hoặc cả 2 tay đều thấp. Sự hoán đổi và kết hợp của những chuyển động phức tạp này có thể làm rối trí một người "mù chữ" về âm nhạc. Tuy nhiên, mỗi cử chỉ đều truyền đạt một chỉ dẫn cho dàn nhạc.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng dùng những cử chỉ như một nhạc trưởng. Khi nói, tay của chúng ta di chuyển theo một giai điệu của lời nói, bắt chước cảm xúc của chúng ta và biểu thị câu chuyện, tiến hành những thay đổi trong lời nói.

Cử chỉ rất quan trọng đối với cách chúng ta nói chuyện và nếu chủ động ngăn mình làm điều đó, bạn sẽ thấy bản thân nói ra những điều hơi khác với suy nghĩ. Vậy tại sao điều này lại xảy ra? Nếu chúng ta có lời để nói theo cách bản thân muốn, tại sao phải dùng cử chỉ? Chính xác thì việc giao tiếp bằng cử chỉ nghĩa là gì?

Giao tiếp phi ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ

Từ và câu không phải là những thứ duy nhất tạo thành ngôn ngữ. Toàn bộ phạm vi ý nghĩa đằng sau lời nói của chúng ta xuất hiện khi bản thân sử dụng phần còn lại của cơ thể.

  • Khi không thích ai đó - bạn sẽ ngồi hướng ra xa họ.
  • Khi nói dối - đồng tử của bạn sẽ giãn ra.
  • Khi bối rối - bạn sẽ nhíu mày, cau mày một cái rồi vò đầu bứt tai.

Tất cả những điều kể trên đều thuộc ngôn ngữ không lời nói.

Cử chỉ giống như lời nói, bao gồm một lượng từ vựng phong phú. Nhưng không giống như lời nói của chúng ta, cử chỉ không nằm gọn trong một cuốn từ điển. Hầu hết các cử chỉ đều có ý nghĩa trong ngữ cảnh lời nói - chẳng hạn như việc chỉ tay về phía em gái của mình khi bạn phàn nàn với bố mẹ về cô ấy - và cách chúng ta nói điều đó, chẳng hạn như cử động chân tay một cách mạnh mẽ biểu thị sự tức giận.

Cử chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ của chúng ta.
Cử chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ của chúng ta.

Cử chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ của chúng ta. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học gọi điều này là ngôn ngữ nói (paralinguistic). Có một lưu ý nhỏ là ngôn ngữ ký hiệu là một ngôn ngữ hoàn chỉnh, trong khi cử chỉ là món phụ đi kèm với ngôn ngữ chính. Ngôn ngữ ký hiệu có vốn từ vựng cũng như ngữ pháp phong phú có thể được hệ thống hóa bằng cách sử dụng các quy tắc tương tự như ngôn ngữ nói.

Các loại cử chỉ tay

Cử chỉ tay cũng giống như các món phụ trong bữa ăn, bao gồm rất nhiều loại. Theo phân loại của nhà nghiên cứu David McNeil về cử chỉ tay thì nó có 4 loại chính bao gồm: biểu tượng, ẩn dụ, chỉ trỏ và nhịp điệu.

Cử chỉ mang tính biểu tượng

Những cử chỉ mang tính biểu tượng là hình ảnh trực quan về những gì chúng ta đang nói đến. Ví dụ, nếu bạn nói về việc đi bộ chân trần trên cỏ tuyệt thế nào, bạn có thể sẽ tạo hình ngón trỏ và ngón cái thành 'chân' và cho chúng đi bộ trong không khí.

Một ví dụ khác là khi bạn quay tròn ngón tay có thể nghĩa là ai đó đang lo lắng hoặc một cơn lốc xoáy; ý nghĩa sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh.

Cử chỉ ẩn dụ

Các cử chỉ ẩn dụ là phép ẩn dụ bằng hình ảnh. Những cử chỉ này xuất hiện khi chúng ta nói về những ý nghĩa trừu tượng, chẳng hạn như triết học hoặc toán học. Ví dụ, khi mọi người được yêu cầu diễn đạt một bài toán số học (ví dụ như mất bao nhiêu thời gian cho một số nhân công nhất định để hoàn thiện một công trình), họ làm động tác quét tay dài để thể hiện sự thay đổi hoặc gõ tay nhanh hoặc làm hình zic zac để diễn tả các yếu tố khác của bài toán.

Cử chỉ chỉ trỏ

Cử chỉ này có nghĩa chúng ta chỉ ra hướng của một cái gì đó, một nơi nào đó hoặc ai đó.

Cử chỉ nhịp điệu

Cử chỉ nhịp điệu có thể hiểu là bạn đưa tay theo nhịp của lời nói hoặc lời phát biểu. Mỗi khi bạn nhấn trọng âm một từ, bàn tay có thể di chuyển xuống dưới để nâng cao tác dụng những gì bản thân nói.

Cử chỉ được giải mã bởi cùng một phần của bộ não giải mã ngôn ngữ và ký hiệu.
Cử chỉ được giải mã bởi cùng một phần của bộ não giải mã ngôn ngữ và ký hiệu.

Cử chỉ giúp chúng ta suy nghĩ

Cử chỉ giúp chúng ta giao tiếp với người khác và cũng có thể giúp bản thân suy nghĩ và làm cho ngôn ngữ được mạch lạc hơn.

Một số giả thuyết cho rằng cử chỉ giúp chúng ta đóng góp (về mặt không gian) thông tin mà bản thân muốn nói đến. Vì vậy, nếu muốn mô tả 2 đối tượng khác nhau như thế nào hoặc cách một thứ thay đổi thành một thứ khác, cử chỉ sẽ giúp bạn tìm ra từ ngữ thích hợp.

Thậm chí, các nhà nghiên cứu đang xem xét cách cử chỉ và ngôn ngữ được liên kết trong não bộ. Vào năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, cử chỉ được giải mã bởi cùng một phần của bộ não giải mã ngôn ngữ và ký hiệu. Điều này cho thấy rằng cử chỉ rất quan trọng đối với ngôn ngữ và sự hiểu biết của chúng ta về nó.

Cùng với đó, nhà nghiên cứu Manuela Macedonia ở Leipzig (Đức) cũng phát hiện ra rằng cử chỉ giúp chúng ta học ngôn ngữ. Học cách cử chỉ trong một ngôn ngữ mới có thể giúp học sinh nhớ từ vựng và tích cực trò chuyện bằng ngôn ngữ đó hơn.

Các nhà khoa học cho rằng cử chỉ của chúng ta có trước ngôn ngữ lời nói. Trên thực tế, nhiều người tin rằng tổ tiên linh trưởng của chúng ta đã sử dụng cử chỉ để giao tiếp với nhau, trước khi bất kỳ loại ngôn ngữ nào phát triển. Ngày nay chúng ta vẫn thấy các loài linh trưởng sử dụng cử chỉ để giao tiếp.

Cử chỉ của khỉ không giống con người, nhưng chúng có thể chỉ là tiền thân của cử chỉ dựa trên ngôn ngữ của chúng ta. Khi bộ não tổ tiên chúng ta lớn hơn thì con người bắt đầu giao tiếp bằng âm thanh. Dù vậy, chúng ta vẫn giữ những cử chỉ của mình.

Cập nhật: 29/04/2021 Theo VnReview
  • 1.834