Tại sao gãi khiến ta dễ chịu?

  •  
  • 1.155

Gãi sẽ giúp tăng lưu lượng máu đi đến vùng lưng, đồng thời giải phóng serotonin, sau đó làm dịu các cơ đang bị kích thích vật lý.

Bạn đã bao giờ nhận ra chỉ một hành động đơn giản như gãi ngứa, thậm chí ngay cả khi đó là hành vi vô thức, vẫn mang đến cho bạn một cảm giác dễ chịu hơn nhiều so với vài giây trước đó?

Tại sao chúng ta lại gãi?

Gãi là một cơ chế bảo vệ để lấy các chất kích thích ra khỏi da của con người. Bầu không khí bao quanh chúng ta tồn tại rất nhiều hạt vật chất lơ lửng có thể lắng động trên da và gây kích ứng. Các tế bào trong da người cũng được bao quanh bởi các thụ thể cảm giác được gọi là nociceptor, là các tế bào thần kinh cảm giác phản hồi với cơn đau.

Gãi là một hành động dễ lan truyền từ người này sang người kia
Gãi là một hành động dễ lan truyền từ người này sang người kia.

Cũng giống như ngáp, gãi là một hành động dễ lan truyền từ người này sang người kia. Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người có xu hướng tự gãi khi nhìn thấy những người khác làm như vậy. Thậm chí, có thể bạn cảm thấy ngứa và gãi khi đang đọc bài viết này. Đó là một hành động phản xạ được thực hiện nhiều lần trong một ngày, cho dù chúng ta có để ý hay không.

Điều gì xảy ra khi chúng ta gãi?

Bất cứ khi nào da bị kích ứng hoặc trong tình trạng không thoải mái, các tế bào mast (dưỡng bào) sẽ được đưa vào khu vực đó. Tế bào mast là các tế bào miễn dịch giải phóng chất Histamin, liên quan đến việc mang lại phản ứng viêm. Tác dụng của histamine gây ra sự giãn nở của các mạch máu, từ đó gây ra sự gia tăng lưu lượng máu tại vị trí tác dụng.

Tất cả những thay đổi này được cảm nhận và chuyển tiếp bởi thụ thể nociceptor. Những xung động này được truyền đến tủy sống. Bó gai đồi thị mang những xung động này đến não, đó là cách bộ não tiếp nhận thông tin về cảm giác ngứa. Sau đó, nó ra lệnh cho các nơron vận động đưa ra hành động nhằm làm dập tắt cơn ngứa khó chịu đó.

Bản chất vật lý của gãi là một hành động đem lại cảm giác đau. Khi gãi, móng tay của con người gây đau cho vùng da dưới ngưỡng đau có thể chịu đựng, vì vậy nó không gây tổn thương. Cơn đau nhẹ hoạt động như một sự mất tập trung tạm thời đối với vùng da bị kích thích. Những xung lực đau này được truyền đến tủy sống và cuối cùng đến não. Não sau đó giải phóng chất dẫn truyền thần kinh serotonin nhằm giải quyết cơn đau nhẹ này.

Trong tất cả các chức năng của serotonin, "điều chỉnh tâm trạng" là chức năng chính. Toàn bộ hành động gãi dẫn đến sự gia tăng nồng độ serotonin trong cơ thể. Mức serotonin càng cao sẽ mang đến trạng thái tinh thần tích cực hơn. Đây là thứ khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu sau khi gãi. Cảm giác này tốt đến mức khiến chúng ta muốn tiếp tục gãi, để não có thể tiết ra nhiều serotonin hơn. Vì thế, đây là một loại cảm giác mãn nguyện.

Quá trình kích hoạt phản ứng viêm gây ra bởi mầm bệnh.
Quá trình kích hoạt phản ứng viêm gây ra bởi mầm bệnh. (Ảnh: VectorMine/Shutterstock).

Kích hoạt hệ thống tưởng thưởng của não

Việc giải phóng chất dẫn truyền thần kinh serotonin chỉ là phần trailer của cả một bộ phim dài hơi. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra gãi mà không phải vì bệnh lý sẽ kích hoạt hệ thống tưởng thưởng của não (Reward System). Hệ thống tưởng thưởng của não là một con đường được kích hoạt bởi những kích thích tích cực. Việc nạp vào thức ăn hợp khẩu vị và nghe những bài thác yêu thích là một vài kiểu kích thích như vậy.

Hành động gãi không chỉ làm giảm ngứa mà còn có thể thỏa mãn và gây nghiện. Vòng lặp ngứa-gãi là một quá trình phức tạp liên quan đến các thành phần cảm giác, vận động và cảm xúc. Nó được cho là mang lại một cảm giác vui vẻ, hài lòng.

Các nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là con người cho thấy gãi đã kích hoạt khu vực tế bào thần kinh VTA (Ventral Tegmental Area), vùng chất đen (substantia nigra), hạt nhân raphe và vùng chất xám quanh cống não (PAG). Vùng VTA và vùng chất đen là các thành phần chính của hệ thống tưởng thưởng. Vùng PAG là một cấu trúc giải phẫu và chức năng đóng vai trò chính trong điều biến đau.

Hạt nhân RapHae là một cụm các hạt nhân (cụm tế bào thần kinh) trong thân não sản sinh ra serotonin. Điều này lý giải tại sao serotonin lại được giải phóng thông qua hành động gãi. Tất cả các khu vực được đề cập ở trên trong não được nhìn thấy sáng lên khi chúng ta gãi.

Tác dụng kỳ diệu của việc gãi lưng

Chắc hẳn bạn từng gặp những quảng cáo hay ho về những cây gãi lưng. Nó được miêu tả là khiến người sử dụng cảm thấy thoải mái ngay lập tức.

Stress, theo nhiều cách, có những tác động khác nhau đến cơ lưng của chúng ta
Stress, theo nhiều cách, có những tác động khác nhau đến cơ lưng của chúng ta.

Đời sống hiện đại đã khiến chúng ta tiếp nhận một lối sống ít vận động, điều đó có nghĩa là con người phải đối phó với những vấn đề sức khỏe mới. Ngày qua ngày, cách sống này khiến chúng ta đối mặt với nhiều stress hơn. Những yếu tố gây căng thẳng vô hình này gây ảnh hưởng đến cơ thể. Trong số những bộ phận trên cơ thể là mục tiêu nhắm đến, thì lưng là một phần chính.

Stress, theo nhiều cách, có những tác động khác nhau đến cơ lưng của chúng ta. Tác động thường thấy nhất là co thắt mạch máu, làm hạn chế lưu lượng máu. Điều này dẫn đến tình trạng bị ép và căng cứng trong cơ bắp. Ngoài ra, ít tập thể dục hoặc ngồi ghế thời gian dài cũng có thể gây ra căng cứng và co thắt cơ bắp. Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng sau một ngày làm việc dài, phần lưng sẽ trở thành nơi tích tụ của "căng thẳng".

Khi chúng ta gãi lưng, thậm chí ngay cả khi không bị thứ gì kích thích, nó sẽ dẫn đến một loạt các phản ứng. Trong tất cả những phản ứng xảy ra, hiệu quả nhất chính là gia tăng lưu lượng máu và giải phóng serotonin. Gãi dẫn đến sự gia tăng lưu lượng máu đến cơ lưng của chúng ta, vốn đang chịu áp lực nặng nề sau cả ngày. Tăng vòng tuần hoàn máu sẽ làm giảm căng thẳng. Các hoạt động cơ học của gãi gây ra áp lực, và dĩ nhiên cơn đau nhẹ gây ra bởi hành động đó sẽ dẫn đến việc giải phóng các "hormone hạnh phúc".

Gãi lưng cũng giống như một bài "massage nhỏ" giúp tạm thời giảm bớt mọi căng thẳng mà bạn đang chịu đựng. Vì vậy, lần tới khi cảm thấy mệt mỏi, nhưng vẫn bị "trói" vào bàn làm việc, bạn biết mình nên làm gì rồi đấy!

Cập nhật: 23/07/2020 Theo vnreview
  • 1.155