Tại sao lũ mèo cứ đòi vào xem bạn tắm?

  •  
  • 422

Đừng lo, chúng không phải là những kẻ biến thái đâu.

Bạn vừa trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, đầu óc chỉ mong chờ đến phút giây được thư giãn dưới làn nước ấm. Bạn lôi chiếc khăn tắm mềm mại ra, chọn bộ quần áo ngủ thoải mái nhất, và bắt đầu tiến vào nhà tắm.

Nhưng ngay khi bạn định đóng cửa lại để tận hưởng khoảnh khắc yên bình và thư thái ấy thì... một cái chân lông lá bất ngờ thò qua khe cửa. Đúng rồi, đó chính là con mèo của bạn, với ánh mắt nghi ngờ và biểu cảm kiểu "Này, con sen định làm gì trong đó mà lại đóng cửa hả?".

Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại, rất nhiều lần như thế rồi. Bạn biết nếu mình cứ cố đẩy con mèo ra thì nó sẽ lại cào cào vào cánh cửa và kêu lên "meo meo" đầy tội nghiệp. Cuối cùng, bạn sẽ phải thỏa hiệp với nó: Hoặc là bạn tắm với một cánh cửa mở hé, hoặc là nó sẽ kêu ca mãi không thôi.

Cuối cùng, bạn chọn cách thứ nhất vì không muốn nghe thêm bất kỳ âm thanh nào trong ngày nữa cả - ngoài tiếng nước chảy và tiếng hát của chính bạn trong nhà tắm.

Thế nhưng, bây giờ thì điều bí ẩn nhất mới xảy ra. Bạn có thắc mắc con mèo sẽ làm gì trong lúc bạn tắm không?

1001 biểu cảm của mèo trong lúc bạn đi tắm.
1001 biểu cảm của mèo trong lúc bạn đi tắm.

Thi thoảng, nó sẽ lẻn qua khe cửa, nhảy lên một địa điểm khô ráo để quan sát bạn tắm. Thi thoảng, nó chỉ đơn giản là vào phòng tắm rồi nằm ườn. Những lần khác, nó sẽ ngoan ngoãn ngồi ngoài cánh cửa hé để canh gác cho bạn.

Nhưng ngay cả khi con mèo ngồi ngoài, tại sao nó vẫn không cho bạn đóng cửa? Hễ bạn đóng sập cửa phòng tắm lại là nó lại gào lên? Sinh vật lông lá này bị ám ảnh gì đó với những cánh cửa đóng chặt hay sao?

Câu trả lời là: Đúng, lũ mèo ghét cửa đóng!

Hóa ra không chỉ là cánh cửa nhà tắm của bạn đâu, lũ mèo ghét tất cả những cánh cửa đóng, cho dù đó là cửa ra vào, cửa sổ hay hay cửa phòng ngủ. Chúng sẽ cố gắng lách cái chân lông lá của mình để ngăn bạn đóng tất cả những cánh cửa đó bất kể khi nào chúng ở đó.

Tiến sĩ Karen Sueda, một bác sĩ thú y chuyên về hành vi động vật, cho biết: "Đó là bởi lũ mèo cũng có một chút FOMO giống con người".

FOMO là từ viết tắt của "Fear of Missing Out", có nghĩa là nỗi sợ bị bỏ lỡ. Ở con người, FOMO được hiểu như một nỗi sợ hãi mà bản thân sẽ bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm điều đó.

Ví dụ, trong dịp nghỉ lễ vừa rồi bạn đã từ chối một cuộc họp mặt bạn bè chỉ để ở nhà nghỉ ngơi, nhưng rồi chính bạn lại FOMO không biết nhóm bạn đã làm gì trong lúc vắng mặt bạn. Bạn phải lên mạng, xem ảnh và video của cuộc họp mặt đó, hoặc nhắn tin hỏi một người bạn thân xem điều gì đã xảy ra trong cuộc vui hôm đó.

FOMO cũng có thể xảy đến trong ngày làm việc bình thường của bạn. Bạn không biết ngoài kia thế giới đã thay đổi như thế nào trong lúc bạn phải cắm mặt vào máy tính trong văn phòng. Vì thế, ngoài các cửa sổ làm việc, Word, Excel và các "tab" Chrome như bình thường, bạn còn phải mở một cửa sổ Facebook và không bao giờ đóng nó – trừ khi bị sếp bạn theo dõi.

Hóa ra, lũ mèo cũng vậy. Chúng không muốn có bất kỳ cánh cửa nào đóng lại với mình. "Nỗi sợ bị bỏ lỡ ở mèo kiểu như: "Tôi không biết có gì ở phía bên kia cánh cửa, và tôi muốn đi xem và tìm hiểu"", tiến sĩ Sueda nói.


Mèo rất tò mò với mọi thứ phía sau cánh cửa.

Mèo vốn là loài động vật tò mò, và chúng thích quan sát mọi thứ xảy ra trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả ngôi nhà của người chủ. Tiến hóa đã trang bị bản năng tò mò và sợ bỏ lỡ để giúp mèo sống sót trong tự nhiên.

"Mèo vừa là một kẻ săn mồi nhưng cũng là con mồi cho một số loài động vật khác. Do đó, chúng luôn phải cảnh giác và kiểm soát không gian xung quanh mình", chuyên gia tư vấn hành vi mèo Ingrid Johnson cho biết.

Nhưng đến khi những con khỉ lông lá tiến hóa thành người và làm ra những cánh cửa, đột nhiên, lũ mèo cảm thấy chúng không còn được làm chủ thế giới của mình nữa.

Jane Ehrlich, một chuyên gia về hành vi động vật khác thậm chí gọi một cánh cửa đóng lại bằng 3 chữ C ám ảnh với loài mèo: Chúng bị mất đi sự lựa chọn (Choice), chúng mất quyền kiểm soát (Control) với không gian xung quanh và buộc chúng phải thay đổi (Change).

"Mặc dù mèo không nhất thiết muốn tham gia vào những gì đang diễn ra sau cánh cửa, nhưng chúng lại muốn biết điều gì đang xảy ra", Ehrlich nói. Đó là lý do tại sao con mèo không nhất thiết phải vào phòng xem bạn tắm, nhưng bạn phải để cửa hé cho chúng.

Mèo cũng FOMO giống con người.
Mèo cũng FOMO giống con người. (Ảnh minh họa).

Vậy làm thế nào để huấn luyện mèo quen với những cánh cửa đóng?

Có một tin xấu, Johnson cho biết lũ mèo của bạn không đủ thông minh để hiểu khi một cánh cửa đóng lại, nó chỉ đóng tạm thời. "Chúng chỉ biết rằng vị trí mà trước đây chúng có thể tiếp cận - nơi chúng cảm thấy an toàn, hoặc chúng thích ngủ hoặc nghỉ ngơi hoặc ăn uống hoặc bất kỳ điều gì - giờ đây đột nhiên bị lấy đi", Johnson nói.

"Đó là lý do khi chúng ta đóng một cánh cửa lại, nó sẽ khiến mèo bị căng thẳng".

Vậy đây là lời khuyên dành cho những người chưa nuôi mèo và chuẩn bị nuôi mèo: Nếu bạn sắp sửa đón mèo về nhà, hãy luôn đóng tất cả những cánh cửa trong nhà lại, hoặc ít nhất là những cánh cửa ngăn cách khu vực mà bạn không muốn mèo tiếp cận, nhà vệ sinh, nhà tắm hoặc phòng bếp.

Một khi lũ mèo không biết đó là một cánh cửa, nó sẽ không đòi hỏi bạn phải mở.

Bạn cần cho mèo làm quen với cửa đóng từ nhỏ.
Bạn cần cho mèo làm quen với cửa đóng từ nhỏ.

Nhưng nếu bạn đã không kịp làm điều đó thì sao? Con mèo của bạn đã phát hiện ra cánh cửa gỗ đó có thể mở ra mở vào và dẫn tới một chiều không gian khác trong ngôi nhà của bạn. Đây là lời khuyên cho những người đã nuôi mèo và chưa kịp dạy chúng quen với chiếc cửa đóng: Hãy kiên nhẫn.

Đầu tiên, bạn hãy mang đồ ăn vặt hoặc đồ chơi yêu thích của con mèo đến một bên cánh cửa. Sau đó, hãy cho mèo chơi và ăn đồ ăn của chúng. Khi chúng đang tập trung vào việc chơi hoặc ăn, hãy đóng cánh cửa lại.

Sau đó, đợi cho con mèo gần ăn hết bát thức ăn, bạn hãy mở cánh cửa ra như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Tăng dần thời gian bạn đóng cửa lên bằng cách chuyển đổi sang những loại đồ ăn dạng liếm khiến con mèo mất nhiều thời gian để ăn hết. Dần dần, mèo của bạn sẽ học được cách "hài lòng" với những cánh cửa đóng tạm thời.


Đừng bao giờ mủi lòng.

Lời khuyên cuối cùng là đừng chiều chuộng con mèo một cách quá đáng. Nếu bạn đóng cửa khi đi tắm, rồi lại mủi lòng mở ra khi thấy con mèo kêu gào hoặc cào cửa, thì khi bạn mở cửa, hành vi được đáp ứng sẽ khiến con mèo hiểu rằng mỗi khi nó đòi hỏi, nó đều được bạn đáp lại.

Các nhà khoa học hành vi động vật gọi đây là hành vi được củng cố. Và một khi đã được củng cố trong não bộ, bạn sẽ không bao giờ dạy được lũ mèo quen với những cánh cửa đóng nữa.

Suy cho cùng, lũ mèo vẫn nên biết ai mới là chủ nhân thực sự của ngôi nhà. Và đôi lúc, chủ nhân của chúng cũng cần một chút riêng tư cho bản thân mình. Con mèo không thể lúc nào cũng đòi giám sát bạn mọi lúc được, ngay cả khi bạn đang trong nhà tắm.

Cập nhật: 12/09/2024 PNVN
  • 422