"Tái sinh ma cà rồng": Bí ẩn hài cốt ngậm gạch thế kỷ XVI

Tái hiện lại gương mặt nữ "ma cà rồng" ngậm gạch ở thế kỷ 16
  •  
  • 223

Một "ma cà rồng" thế kỷ 16 chôn cùng viên gạch đá trong miệng được phục dựng nhờ nghiên cứu của một chuyên gia về tái tạo gương mặt.

Nằm trong ngôi mộ tập thể dành cho bệnh nhân dịch hạch, người phụ nữ qua đời từ lâu bị nghi lan truyền dịch bệnh thông qua hút máu, do đó cần ngăn chặn tội ác của bà, IFL Science hôm 22/3 đưa tin. Hài cốt người phụ nữ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2006 trong đợt khai quật tại nghĩa trang trên đảo Lazzaretto Nuovo ở phá Venice. Từng là nơi an dưỡng cho bệnh nhân dịch hạch, hòn đảo trở thành nơi an nghỉ cuối cùng dành cho lượng lớn người chết trong đợt bùng phát dịch năm 1576.

 Chân dung người phụ nữ bị nghi là ma cà rồng trong ngôi mộ tập thể ở Italy.
Chân dung người phụ nữ bị nghi là ma cà rồng trong ngôi mộ tập thể ở Italy. (Ảnh: Cicero Moraes).

Thời kỳ này trong lịch sử châu Âu ghi nhận sự tăng vọt trong hoạt động săn lùng ma cà rồng khi dân làng bắt đầu tìm người chịu trách nhiệm cho dịch bệnh lan tràn khắp châu lục. Giả thuyết ma cà rồng lan rộng bởi những người đào mộ Italy thường xuyên tiếp xúc với thi thể phân hủy khi mở lại ngôi mộ tập thể để đặt thêm người chết.

Thi thể phân hủy thường bị phù thũng với dịch cơ thể rỉ ra từ mũi và miệng, dẫn tới suy đoán họ hút máu từ người chôn cùng mộ. Trong một số trường hợp, vải liệm che trên mặt người chết bị phân hủy, khiến nhiều người tin rằng ma cà rồng hấp thụ sức mạnh bằng cách ăn lớp vải này.

Sau khi phân tích thi thể nữ vào năm 2010, các nhà nghiên cứu kết luận người chôn cất cố ý đặt viên gạch vào trong miệng người phụ nữ do thợ đào mộ cho rằng bà ấy "ăn" vải liệm trên mặt. Do đó, việc đặt gạch đá cứng có thể ngăn người phụ nữ lan truyền dịch bệnh bằng cách cắn những nạn nhân khác.

Phân tích kỹ hơn bộ xương chỉ ra người phụ nữ ở độ tuổi ngoài 60 khi chết và chủ yếu ăn hoa màu cùng ngũ cốc, chế độ ăn hé lộ bà thuộc giai cấp xã hội thấp. Dù thông tin không giúp hiểu rõ hơn tại sao cá nhân này bị coi là ma cà rồng, nghiên cứu sau đó giúp bác bỏ giả thuyết viên gạch tình cờ nằm trong miệng xác chết.

Để phục dựng gương mặt người phụ nữ, nhà thiết kế 3D kiêm chuyên gia pháp y Cícero Moraes lúc đầu phác thảo hình ảnh mặt trước và sau hộp sọ, cũng như cung răng, sử dụng phép đo và chiếu xương sọ. Mô hình kỹ thuật số sau đó được đắp thêm da thịt thông qua điều chỉnh ảnh chụp cắt lớp một gương mặt người hiện đại để khớp với hộp sọ cổ đại.

Tuy gương mặt người phụ nữ từng được tái tạo bởi các nhà khảo cổ học phân tích hài cốt của bà năm 2009, nhóm tác giả nghiên cứu đó cho biết họ không chia sẻ dữ liệu với Moraes. Vì vậy, gương mặt mới mô phỏng dựa trên ảnh chụp bộ xương có sẵn trên mạng và có thể ít chính xác hơn so với bức ảnh đầu tiên.

Moraes tạo ra bản sao của viên gạch bằng vật liệu Styrofoam và tiến hành một loạt thí nghiệm nhằm xác định vật thể có phải được đặt vào miệng người phụ nữ sau khi chết hay không. Kết quả chỉ ra viên gạch nằm trong khoang miệng mà không gây tổn thương răng hoặc mô mềm. Moraes và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí OrtogOnline.

Cập nhật: 26/03/2024 VnExpress
  • 223