Tấm vải liệm thành Turin sẽ được trưng bày năm 2015

  •  
  • 2.896

Năm 2015, những người muốn tận mắt chứng kiến "tấm vải liệm thành Turin" sẽ lại có cơ hội được chiêm ngưỡng vật được cho là tấm khăn liệm Chúa Jesus khi ngài được đem xuống từ cây thập giá và mai táng trong mộ đá.

>>> Giả thuyết mới về vải liệm Turin

Ngày 27/2, nhà thờ Duomo ở Turin, miền bắc Italy, nơi đang lưu giữ tấm vải này, đã tuyên bố, tấm vải được nhiều người tin là đã liệm xác Chúa và lưu lại hình ảnh của ngài khi chết sẽ được trưng bày cho công chúng vào thăm từ ngày 19/4 đến ngày 24/6/2015.

Đây là một sự kiện hy hữu bởi trước đó, trong vòng hơn một thế kỷ qua, người ta mới chỉ mở cửa đón người đến xem đúng 5 lần và lần gần nhất là năm 2010, thu hút hơn 2 triệu người viếng thăm trong một lần trưng bày kéo dài bảy tuần.

Giáo hoàng lúc đó là Benedict XVI cũng đến thăm tấm vải liệm trong lần đầu tiên nó được trưng bày sau khi được phục chế vào năm 2002.

Sở dĩ lần này nhà thờ Duomo mở cửa đến 67 ngày để đón công chúng là để kỷniệm 200 năm ngày sinh của linh mục Bosco, người đã được phong thánh vì những hoạt động từ thiện của ngài trong thế kỉ 19 ở Turin, và kỷ niệm chuyến viếng thăm của Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI.

Tấm vải liệm thành Turin sẽ được trưng bày năm 2015
Tấm liệm thành Turin được coi là liệm xác chúa Jesus và lưu giữ hình ảnh Ngài khi chết. (Nguồn: mywordswritten.org)

Ngày 24/6 là ngày Thánh Gioan Tẩy Giả (John the Baptist), thánh bảo trợ của thành phố Turin, và cũng là ngày của thánh Bosco.

Ngày viếng thăm tấm vải liệm thành Turin của Giáo hoàng hiện vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên, hồi tháng 3/2013, sau khi lên ngôi, trong một thông điệp được truyền hình trên kênh RAI của Italy, Giáo hoàng Francis I xuất hiện cùng với một số hình ảnh của tấm vải liệm. Đấy mới là lần thứ hai trong lịch sử, thánh tích này được đưa lên truyền hình sau lần đầu vào năm 1973, sau khi được Giáo hoàng Paul VI cho phép.

Được bảo vệ nghiêm ngặt trong một tủ kính chống đạn và lắp điều hòa không khí để duy trì tình trạng nhiệt độ tốt nhất cho việc bảo quản, tấm vải này được không ít người tin là đã được dùng để bọc xác Chúa sau khi ngài được đưa xuống từ cây thập giá.

Tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ nay, nguồn gốc của tấm vải, niên đại của nó và thực sự liệu hình ảnh của người đàn ông được in trên tấm vải có phải là Chúa Jesus không đã là đề tài của những cuộc tranh luận và nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới.

Năm 1988, ba phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học Oxford, Tucson và Zurich đã công bố kết quả thí nghiệm bằng phương pháp đồng vị phóng xạ C14 và đưa ra kết luận là tấm vải này được làm ra trong khoảng thời gian 1260-1390, nghĩa là tấm vải được làm giả vào thời Trung cổ.

Nhưng sau đó, các nhà khoa học khác lại cho rằng, kết quả này có thể bị sai lệch thời gian trong khoảng 1.100 năm bởi nhiều lý do, vì có sự hiện diện của nấm và vi khuẩn trên mặt vải sau nhiều thế kỷ được lưu giữ trong các điều kiện khác nhau.

Những tranh cãi đã dẫn đến lời kêu gọi của các nhà khoa học, yêu cầu cho phép tiến hành thêm các thí nghiệm mới, nhưng Vatican đã từ chối. Hiện tại, chưa có kết luận cuối cùng về tấm vải liệm và mọi câu hỏi về nó vẫn còn để ngỏ.

Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo không chính thức xác nhận cũng không tuyên bố bác bỏ tấm vải liệm. Tuy nhiên, vào năm 1958, Giáo hoàng Pius XII đã phê chuẩn hình ảnh người đàn ông trên tấm vải là "Thánh nhân Chúa Jesus".

Gần đây, Giáo hoàng Francis I và người tiền nhiệm của ông là Giáo hoàng Benedict XVI đều mô tả Khăn liệm Turin như là "một biểu tượng".

Theo Vietnam+
  • 2.896