Việc chỉnh sửa gene người không những không thể thực hiện được vì vấn đề đạo đức, mà còn vì các hạn chế về mặt kỹ thuật – đơn giản là chúng ta chưa có đủ khả năng để làm việc đó ở thời điểm hiện tại.
Theo tạp chí Technology Review, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ di truyền dự đoán rằng loài người chưa cần lo sợ về viễn cảnh có thể chỉnh sửa được gene người trong tương lai gần, bởi lẽ nó quá phức tạp để có thể thực hiện.
Một trong những điều mà công chúng lo ngại nhất về kỹ thuật chỉnh sửa gene người bằng công nghệ CRISPR là việc nó có thể được sử dụng để tạo ra những em bé "được thiết kế trong phòng thí nghiệm" với chỉ số thông minh vượt trội. Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể tạo ra sự bất công xã hội, đem lại lợi thế cho những bậc cha mẹ có điều kiện về kinh tế để "nâng cấp" trí tuệ cho con cái mình. Thật vậy, một cuộc khảo sát của viện Pew (Mỹ) được thực hiện tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2018 đã cho thấy, sự lo lắng lớn nhất của người dân về CRISPR là công nghệ này sẽ chỉ dành cho những người giàu có.
Tuy nhiên, họ không cần phải lo lắng về điều đó, theo tuyên bố mới đây của ba nhà khoa học chỉnh sửa gene hàng đầu thế giới. Trí thông minh của con người là một thứ quá phức tạp để có thể được lập trình trong phòng thí nghiệm, và đó rõ ràng là một điều tốt, bởi "chúng ta sẽ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn nhân loại nếu điều đó xảy ra".
Tại Mỹ, sự lo lắng lớn nhất của người dân về CRISPR là công nghệ này sẽ chỉ dành cho những người giàu có.
Tháng 11 vừa qua, nhà khoa học người Trung Quốc He Jiankui (Hạ Kiến Khuê) tuyên bố ông đã bí mật đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gene để tạo ra hai bé gái sinh đôi có khả năng kháng lại virus HIV. Công bố này đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo, vì điều đó đã cho thấy không có cách nào để ngăn chặn việc "sản xuất" những em bé biến đổi gene.
Tuy nhiên, sự lo ngại của cộng đồng về việc có thể tạo ra "tầng lớp tinh hoa" về mặt trí tuệ trong phòng thí nghiệm có lẽ sẽ không trở thành hiện thực, dẫn theo một bài xã luận được xuất bản ngày 16 tháng 1 vừa qua trên Tạp chí Y học New England. Đó là bài viết của George Daley, Trưởng Khoa Y Đại học Harvard và hai chuyên gia về phôi học châu Âu, Robin Lovell-Badge và Julie Steffann.
"Về lâu dài, rào cản lớn nhất chống lại hành vi chỉnh sửa gene người một cách không phù hợp là sự tồn tại bất ổn định của các tính trạng như trí thông minh, xuất hiện từ những tương tác phức tạp giữa nhiều gene và môi trường xung quanh", các nhà khoa học trên cho biết.
Chúng ta đã tìm ra hơn một nghìn gene có liên quan đến việc quyết định chỉ số IQ của một người, hay nói cách khác là khả năng học tập của người đó tại trường học. Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự hiểu rõ về vai trò của những gene này, và hơn nữa, các công cụ chỉnh sửa gene tiên tiến nhất ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thực hiện chỉnh sửa một gene phôi ở nhiều địa điểm khác nhau trong bộ gene đến như vậy.
Đối với các nhà báo, sự không rõ ràng trong phát ngôn của các nhà khoa học là một vấn đề nghiêm trọng. Họ đã từng rất háo hức khi thấy công nghệ chỉnh sửa gene được sử dụng để ngăn chặn các bệnh di truyền ở cấp độ phôi thai và đã từng cho rằng, công nghệ này đã đạt đến mức độ hoàn thiện để ứng dụng trong thực tế. Bởi lẽ, các bệnh bẩm sinh nghiêm trọng như Huntington hoặc xơ nang thường là do các lỗi DNA cụ thể trong các gene đơn lẻ gây ra; do vậy người ta hoàn toàn có thể sửa chữa chúng bằng công nghệ CRISPR. Họ cũng cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết các căn bệnh đó là ngăn chặn ngay từ khi đứa trẻ mới chỉ là một phôi thai.
Daley và các nhà khoa học khác cũng rất muốn thấy công nghệ này đạt được những bước tiến xa hơn nữa. Nhưng điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn về mặt pháp lý, nếu việc chỉnh sửa gene bị lạm dụng một cách trắng trợn, bởi điều đó sẽ khiến các cơ quan quản lý tiếp tục siết chặt và dư luận có thể phản ứng tiêu cực trước công nghệ này.
Đối với trường hợp của hai bé gái sinh đôi biến đổi gene tại Trung Quốc, He Jiankui cho biết ông đã loại bỏ một gene có tên là CCR5 để khiến đứa trẻ sinh miễn nhiễm với HIV. Mặc dù nhà khoa học này đã thành công, và được các cộng sự của mình công nhận, nhưng những nỗ lực của ông vẫn trở nên vô nghĩa trước công luận bởi ông đã không tuân thủ các quy tắc đạo đức trong nghiên cứu khoa học. "Nhà khoa học này sẽ mãi mãi được nhớ đến vì sự liều lĩnh của anh ấy trước các tiêu chuẩn khoa học, lâm sàng và đạo đức đã được công nhận rộng rãi", các tác giả của bài báo trên viết.
Đđây mới chỉ là sự khởi đầu, và rằng có những lý do chính đáng để phát triển và thực hiện các kỹ thuật chỉnh sửa phôi.
Hiện tại, có nguồn tin cho biết He Jiankui dường như đang bị quản thúc tại nhà. Các phóng viên của tờ The New York Times phát hiện nhà khoa học này khi ông đang đứng đằng sau những song sắt ban công trên một căn hộ nằm trong khuôn viên của trường đại học, trong khi chính quyền Trung Quốc đang tiến hành điều tra, hoặc ít nhất là cho đến khi nào vụ bê bối tạm lắng xuống.
Trong một diễn biến khác, các cây bút của tờ NEJM đã có bài viết lập luận rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu, và rằng có những lý do chính đáng để phát triển và thực hiện các kỹ thuật chỉnh sửa phôi. Trong đó bao gồm trường hợp của những cặp vợ chồng hiếm muộn muốn có những đứa con khỏe mạnh hoặc muốn tránh việc lây truyền những gene bệnh sang thế hệ sau khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Một trong những khó khăn khi triển khai ứng dụng công nghệ này là bởi CRISPR đang được sử dụng cho một số mục đích gây tranh cãi trong công luận. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết mọi người đều cảm thấy thoải mái với việc sử dụng công nghệ CRISPR để phòng ngừa những đột biến di truyền gây bệnh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% số người được hỏi đồng ý với việc sử dụng kĩ thuật này để "cải thiện" nòi giống loài người, mà trong trường hợp cụ thể này là tìm cách tăng cường trí thông minh cho những đứa con của mình.
May mắn cho các nhà khoa học là họ sẽ không cần phải đưa ra những phát biểu chính thức về việc kĩ thuật cải thiện trí thông minh bằng liệu pháp gene là tốt hay xấu. Họ sẽ chỉ cần đơn giản nói rằng, điều đó là không thể, và vì vậy, không có gì phải lo lắng.