Sau sự xuất hiện của ca mắc cúm gia cầm A(H5) sau 8 năm, bệnh lý này đang nhận được nhiều quan tâm cũng như lo ngại của cộng đồng.
Giữa tháng 10 vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã báo cáo về một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi tại Phú Thọ dương tính với virus cúm A(H5). Đây là ca bệnh cúm gia cầm trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.
Dù đã kiểm soát tốt, bệnh lý này vẫn gây ra nhiều lo lắng. Trong bối cảnh đó, bác sĩ Phan Văn Mạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định người dân cần lưu ý trước nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm.
Ca mắc cúm gia cầm xuất hiện sau thời gian dài gây lo lắng cho cộng đồng. (Ảnh: WTHR).
BS Mạnh cho hay về lý thuyết, virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae, bao gồm 4 loại là A, B, C (có thể gây bệnh trên người) và D (chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh cho người).
Trong khi virus cúm C gây bệnh lẻ tẻ ở người và lợn, virus cúm A và B lại xuất hiện theo mùa ở người trên toàn thế giới. Các vụ dịch cúm mùa hàng năm ước tính gây ra khoảng 3-5 triệu ca bệnh diễn biến nặng và khoảng 290.000-650.000 ca tử vong.
"Con người cũng có thể bị nhiễm virus cúm A từ động vật (zoonotic influenza) như virus cúm gia cầm A phân thành các loại gồm: A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H7N7) và A (H9N2) hay virus cúm lợn A gồm A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2)", vị chuyên gia thông tin.
Trong đó, cúm gia cầm gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho những loài chim hoang dã và gia cầm nuôi. Tuy nhiên, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9.
Theo BS Mạnh, hầu hết trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng châu Á H5N1 và H7N9 gây ra.
Cúm gia cầm có thể gây tỷ lệ tử vong cao ở gia cầm nuôi và lây sang người. (Ảnh minh họa: MPR).
Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỷ lệ tử vong rất cao ở gia cầm nuôi.
Ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các loại virus A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A hay B. Trong khi đó, hầu hết trường hợp nhiễm cúm A (H7N7) và A (H9N2) thường diễn biến nhẹ hơn.
Trong quá khứ, những trường hợp nhiễm H5N1 ở người đầu tiên được phát hiện tại Hong Kong (Trung Quốc) năm 1997. Khi đó, nhiều bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Đến năm 2003 và 2004, các ca nhiễm H5N1 ở người lại xuất hiện và được báo cáo chủ yếu ở châu Á và Trung Đông. Kể từ năm 2014, các ca nhiễm H5N6 ở người cũng được ghi nhận, tất cả xảy ra tại khu vực Tây Thái Bình Dương, phần lớn là Trung Quốc.
Đầu năm 2013, một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 trên diện rộng với người đã xảy ra ở một số tỉnh phía Đông Nam của Trung Quốc. Khi đó, 1/3 trường hợp mắc không may tử vong, chủ yếu là người cao tuổi.
BS Mạnh nói thêm: "Ngoài ra, các chủng cúm gia cầm khác cũng xảy ra nhưng không thường xuyên có thể kể tới như H5N8, H7N3, H7N7, H7N4 và H9N2".
Virus cúm gia cầm A đã được phân lập từ hơn 100 loài chim thủy sinh hoang dã khác nhau trên khắp thế giới như vịt, ngỗng, thiên nga, mòng biển, nhạn biển, cò, chim cát.
"Các loài này có thể bị nhiễm virus trong đường ruột và đường hô hấp, từ đó thải qua nước bọt, dịch tiết mũi và phân. Các loài gia cầm nuôi bị lây nhiễm virus cúm thông qua các nguồn bệnh tự nhiên này", BS Mạnh phân tích.
Ngoài ra, virus cúm gia cầm được phân thành 2 loại là độc lực thấp (LPAI) và độc lực cao (HPAI).
Vị chuyên gia cho rằng các virus cúm gia cầm có độc lực thấp gây bệnh không có biểu hiện hoặc chỉ diễn biến nhẹ ở gia cầm như xù lông và giảm sản lượng trứng. Trong khi đó, virus cúm gia cầm có độc lực cao gây bệnh nặng và tỷ lệ chết cao ở gia cầm mắc bệnh.
"Gà nhiễm virus HPAI A (H5) hoặc A (H7) có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng với tỷ lệ chết lên đến 90-100%, thường trong vòng 48 giờ", ông nói thêm.
Theo vị chuyên gia, hầu hết trường hợp con người nhiễm cúm gia cầm do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm) sau khi hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật mắc bệnh.
Tỷ lệ lây nhiễm trực tiếp virus cúm gia cầm từ người sang người rất hạn chế. Tuy nhiên, virus cúm có khả năng đột biến gene nhanh. Do đó, chúng hoàn toàn có thể dẫn đến khả năng lây nhiễm từ người sang người, gây ra đại dịch.
"Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm khá giống cúm mùa. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong có xu hướng cao hơn dù còn tùy vào chủng virus", BS Mạnh nhận định.
Theo ông, người nhiễm cúm gia cầm có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ như sốt, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc.
Bệnh nhân mắc cúm gia cầm thường có các triệu chứng khá giống cúm mùa. (Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya).
Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng có thể gặp là khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỷ lệ tử vong cao.
Khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người mắc cúm gia cầm hoặc gia cầm trong khu vực đang có dịch, bệnh nhân cần nghi ngờ nhiễm virus cúm gia cầm và đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm, từ đó được khám và chẩn đoán kịp thời.
BS Mạnh cho hay Oseltamivir (Tamiflu) là thuốc đặc hiệu để điều trị cúm gia cầm, cần được dùng sớm nhất có thể với các trường hợp không may mắc bệnh.
Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng corticosteroid, liệu pháp miễn dịch thụ động hay kháng sinh nhóm macrolid trong các trường hợp cúm.
"Việc sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân không có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng không cần thiết và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh", BS Mạnh nói thêm.
Vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc uống khi có các biểu hiện nhiễm cúm. Thay vào đó, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Ngoài ra, BS Mạnh khuyến cáo các phương pháp điều trị bổ trợ cơ bản trong điều trị cúm người dân có thể tự thực hiện tại nhà là nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng, hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,5 độ C, cân bằng dịch và điện giải bằng oresol.
Theo BS Mạnh, các chiến dịch tiêm phòng vaccine cho gia cầm đối với virus cúm H5 và H7 có thể giúp ngăn chặn chủ động sự lây lan virus cúm từ các loài chim hoang dã tự nhiên sang gia cầm.
"Khi xác định có virus cúm xuất hiện ở gia cầm, chúng ta cần tiêu diệt đàn gia cầm bị nhiễm bệnh để tránh lây lan", vị chuyên gia khẳng định.
Mặt khác, người dân nên tránh tiếp xúc không có biện pháp bảo vệ với các loài chim hoang dã (dù nhìn khỏe mạnh) và các loài gia cầm có biểu hiện ốm yếu hoặc chết.
Lưu ý quan trọng hơn cả là không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy hoặc phân của gia cầm.
Khi phải tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, người dân cần sử dụng trang phục bảo hộ như găng tay, khẩu trang y tế, kính bảo vệ mắt, rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc.
Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh cũng cần sử dụng trang phục bảo hộ. Với các thủ thuật can thiệp hoặc tạo khí dung, cần dùng khẩu trang N95.
Khi nghi ngờ nhiễm virus, người bệnh cần cách ly, tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời.