Cách đây 50 năm, tàu vũ trụ Gemini lần đầu tiên được phóng vào quỹ đạo, mở đường cho các hoạt động nghiên cứu Mặt Trăng sau này.
Ngày 5/6/1966, phi hành gia Gene Cernan trên tàu Gemini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thử nghiệm AMU - một trong những thiết bị nguy hiểm nhất từng bay vào không gian. Bộ phận đẩy phi hành gia (AMU) có thiết kế như một chiếc balo đeo trên vai, hoạt động nhờ động cơ tên lửa. Để mặc AMU, Cernan phải rời khoang tàu Gemini, đi bộ ngoài không gian quanh phần phía sau, mở các thanh chống và cánh tay, kích hoạt một loạt van oxy và nhiên liệu.
Các chương trình của Gemini được coi là đã mở đường cho hoạt động nghiên cứu Mặt Trăng, tàu con thoi và sự sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). (Ảnh: NASA)
Đối mặt với tình trạng nóng bức của bộ trang phục, tấm kính che phủ đầy bụi mờ và hơi thở nặng nề, phi hành gia phải vật lộn để bộ máy kỳ cục này hoạt động. Sau này, ông từng mô tả trải nghiệm đó là chuyến đi bộ không gian từ địa ngục. "Bạn bị trói tay trong một bộ đồ áp lực, thứ khiến bạn không thể cử động, đi vòng quanh thế giới với tốc độ 28.000 km/h và không thể nhìn thấy gì.", Cernan mô tả.
May mắn cho Cernan, việc chuẩn bị AMU nặng nề và phiền phức đến mức trung tâm điều khiển đã hủy bỏ kế hoạch trước khi phi hành gia có thể khởi động. Cuối cùng, Cernan quay trở về tàu vũ trụ. Với chiếc quần kim loại cồng kềnh, ông phải tự ép mình một cách đau đớn khi ngồi lên chiếc ghế và đóng cánh cửa sập trên thân tàu.
Trong chương trình Gemini của NASA, nhiều sự cố đã xảy ra như hỏng độ cơ, trục trặc khi triển khai module nối. Mặc dù vậy, các sứ mệnh mang tên Gemini đã cho thấy nhiều đóng góp hơn là rủi ro. Bất ngờ hơn hết là phi hành đoàn đều trở về Trái Đất an toàn. Cernan trở lại không gian lần thứ hai trong sứ mệnh Apollo và đi vào lịch sử khi trở thành người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng.
Trong hai năm 6 tháng, giữa các chuyến bay tiên phong Mercury và hoạt động hạ cánh lên Mặt Trăng, 12 sứ mệnh Gemini (10 chương trình có người) đã được thực hiện nhằm kiểm tra công nghệ đưa con người lên bề mặt Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.
Gemini có thể sống sót sau khi rơi xuống biển giống tàu vũ trụ Mercury. (Ảnh: NASA)
Gemini thực hiện các bước đi bộ ngoài không gian, kết nối hai phi thuyền và các thử thách khi ở trong quỹ đạo thời gian dài. Các chuyến bay thử nghiệm thức ăn không gian, điều kiện hỗ trợ sự sống và tế bào nhiên liệu.
"Mỗi chuyến bay là một nỗ lực mới, một thử thách. Tôi đã nghĩ rằng chuyến bay của tôi là một thất bại, nhưng hóa ra chúng tôi đã học được một bài học lớn, giúp chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước và thực hiện thành công bước đi trên Mặt Trăng", Cernan nói.
Gemini được thiết kế giống mọi con tàu vũ trụ khác, có nhiệm vụ đưa hai phi hành gia lên quỹ đạo. Bên trong khoang hình nón là hai ghế ngồi, một bảng thiết bị và bàn điều khiển, giống bố trí bên trong một chiếc ôtô. Bên trên mỗi chiếc ghế là một cánh cửa sập, nơi phi hành gia bước ra và đi bộ ngoài không gian.
Với tính năng bay, tàu vũ trụ được trang bị một máy tính hướng dẫn điện tử, động cơ đẩy và radar. Một trong những nhiệm vụ chính của Gemini là chứng minh rằng tàu vũ trụ có thể gặp gỡ và kết nối trên quỹ đạo. Đó mà một kỳ công liên quan đến nhiều phép tính phức tạp, điều hướng và định vị chính xác. Nếu không có các khả năng này, Apollo đã không có triển vọng thành công.
"Các chuyển động trên tàu vũ trụ trước đây như Mercury hay phương tiện của Liên Xô đều được quyết định trước và không chính xác, với Gemini, họ yêu cầu khả năng kiểm soát hoàn toàn của phương tiện và điều này chưa từng được thực hiện trước đây", Ed Stewart, giám đốc quản lý tại Trung tâm Tên lửa và Không gian tại Huntsville, bang Alabama, nói.
Nỗ lực đầu tiên ở "điểm hẹn" trên quỹ đạo dự định được thực hiện giữa Gemini 5 và một tàu thăm dò không người lái, tuy nhiên phải hủy bỏ sau khi bộ phận đẩy thất bại. Kế hoạch sau đó ấn định với Gemini 6 cũng rơi vào tình trạng tương tự vì tàu kết nối mục tiêu phát nổ không lâu sau khi phóng. NASA tiếp tục với Gemini 7 cùng phi hành đoàn là Frank Borman và Jim Lovell.
Cách đây 50 năm, sứ mệnh đầu tiên của Gemini được phóng vào quỹ đạo. 4,5 năm sau đó, con người đặt chân lên Mặt Trăng. Gemini được coi là đã mở đường cho các hoạt động nghiên cứu vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, tàu con thoi và sự sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).