Tê giác chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đầu tiên ở Mỹ

  •  
  • 573

Đây là lần đầu tiên một con tê giác ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và vườn thú Miami đang kỷ niệm của sự kiện hiếm hoi này.

Theo CNN, tê giác sơ sinh chào đời vào 12h30 sáng ngày 23/4 và hiện chưa thể xác định giới tính của nó. Đây là đứa con đầu tiên của Akuti, tê giác Ấn Độ một sừng hơn 7 tuổi.

Tê giác sơ sinh
Tê giác sơ sinh mới chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. (Ảnh: cắt từ clip).

Đến nay, tê giác con vẫn chưa có tên. Các nhân viên sở thú cho biết tình trạng của hai mẹ con tê giác đều ổn định và sẽ được theo dõi sức khỏe chặt chẽ.

"Điều này (kiểm tra sức khỏe) sẽ được thực hiện khi các nhân viên nhận thấy rằng họ có thể tách tê giác sơ sinh khỏi sự giám sát chặt chẽ của tê giác mẹ. Quá trình kiểm tra sức khỏe có thể diễn ra trong vài phút", đại diện sở thú cho biết.

Việc thụ tinh nhân tạo thành công mở ra cơ hội bảo tồn loài động vật quý hiếm vốn thường xuyên bị săn bắt trộm để lấy sừng.

Tê giác Ấn Độ
Sở thú Miami chăm sóc một cá thể tê giác Ấn Độ. (Ảnh cắt từ clip).

Theo Tổ chức Tê giác Quốc tế, khoảng 3.500 con tê giác Ấn Độ còn lại trên thế giới. Thời gian mang thai của tê giác Ấn Độ kéo dài từ 15-16 tháng và tê giác mẹ chỉ có thể sinh con một lần mỗi 2-3 năm.

Tê giác mẹ Akuti, có nghĩa là "Công chúa" trong tiếng Hindi, đã đến với sở thú Miami năm 2016. Con bố Suru, có nghĩa là "Khởi đầu" trong tiếng Bengal, đã đến đây vào năm 2003.

Sau nhiều nỗ lực cho thụ thai tự nhiên thất bại, nhóm chuyên gia đến từ Liên minh sinh sản và bảo tồn East Zoo (SEZARC) đã phối hợp cùng với tiến sĩ Monica Stoops của sở thú Cincinnati, bắt đầu quá trình thụ tinh nhân tạo Akuti vào tháng 1/2018.

SEZARC đã hợp tác với một số vườn thú và thủy cung ở Mỹ để làm tăng số lượng của các loài động vật quý hiếm nhờ phương pháp sinh sản bằng khoa học. Năm ngoái, tổ chức này đã không thành công trong việc nhân giống một con tê giác trắng tại sở thú Jacksonville.

Cập nhật: 26/04/2019 Theo Zing
  • 573