Thả cua, tôm hùm vào nước sôi, bạn có biết chúng đau đớn như thế nào?

  •   4,47
  • 8.188

Bị luộc sống là cái kết hãi hùng với bất kỳ loài sinh vật nào, nhưng suốt hàng thế kỷ qua, con người vẫn luộc sống tôm hùm vì cho rằng chúng không hề cảm thấy đau.

Luộc sống tôm hùm có thể khiến sinh vật này chịu đau đớn tột độ suốt hàng chục phút
Luộc sống tôm hùm có thể khiến sinh vật này chịu đau đớn tột độ suốt hàng chục phút.

Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện động vật có vỏ hoàn toàn cảm nhận được đau đớn khi bị thả vào nước nóng. Các đầu bếp ở Anh đang chịu nhiều sức ép, phải dùng các phương pháp chế biến bớt gây đau đớn cho tôm hùm.

Các chuyên gia yêu cầu cần phải chấm dứt ngay việc luộc sống tôm hùm ở Anh, vì chúng có thể chịu đau đớn cực độ trong suốt 15 phút.

Hiệp hội Thú y Anh lần đầu tiên kêu gọi bảo vệ tôm hùm và cua, viện dẫn bằng chứng khoa học rằng động vật có vỏ là loài có tri giác.

Hiệp hội với 18.000 thành viên là các bác sĩ thú y, muốn các đầu bếp phải làm choáng tôm hùm, cua trước khi đem chúng ra chế biến món ăn.

Nhiều nhà hàng ở Anh đã sử dụng các thiết bị làm choáng tôm hùm, khiến con vật không cảm thấy đau đớn, nhưng vẫn tiết ra hormone giúp làm tăng hương vị.

Đầu bếp nổi tiếng Giorgio Locatelli, chủ nhà hàng ở London, nói: “Tôi ủng hộ việc gây choáng tôm hùm trước khi chế biến. Vài năm trước, vợ tôi suýt chút nữa là li dị vì thấy tôi thả tôm hùm còn sống vào nước sôi. Kể từ đó, chúng tôi đã dùng thiết bị làm choáng”.

Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt lệnh cấm chế biến động vật giáp xác còn sống vào năm 2018. Na Uy, New Zealand, Áo và Úc cũng đã áp đặt quy định tương tự.

Maisie Tomlinson đến từ tổ chức bảo vệ quyền lợi cho những loài giáp xác, nói: “Chúng ta coi Anh là quốc gia của những người yêu động vật, nhưng tôm hùm và cua từ lâu đã bị lãng quên. Chế biến chúng làm món ăn nhưng lại khiến chúng chịu đau đớn tột độ là điều không thể chấp nhận được. Trừ khi làm choáng, phải mất đến 3 phút để một con cua chết trong nồi nước sôi. Tôm hùm thậm chí còn lâu hơn”.

Hiệp hội thú y Anh cũng đang kêu gọi bảo vệ bạch tuộc và mực, cũng như cá bị đánh bắt trên những con tàu thương mại.

Một số loài cá, bao gồm cá tuyết và cá tuyết chấm đen, chết ngạt nếu mắc vào giữa những chiếc lưới. Những con còn sống phải chịu đau đớn suốt 2 giờ trong môi trường đông lạnh.

Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn Anh xác nhận đang đánh giá lại quy trình giết mổ và chế biến thực phẩm.

Cập nhật: 02/09/2020 Theo Dân Việt
  • 4,47
  • 8.188