Thả voọc mông trắng về rừng

  •  
  • 1.009

Hôm qua, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC), Ninh Bình đã thả hai con voọc mông trắng - loài đặc hữu của Việt Nam về tự nhiên.

Hoạt động trên nằm trong dự án "Tái hòa nhập loài voọc mông trắng vào khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long" giai đoạn 2011 - 2013, nhằm tăng số lượng quần thể voọc mông trắng cho Việt Nam và thế giới.

Hai con voọc mông trắng trước khi vào tự nhiên đã trải qua các buổi huấn luyện của Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp.
Hai con voọc mông trắng trước khi vào tự nhiên đã trải qua các buổi
huấn luyện của Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp. (Ảnh: Thu Hiền)

Ông Tilo Nadler, Giám đốc EPRC cho biết, hai con voọc một đực và một cái trước khi thả về tự nhiên tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, chúng đã được kiểm tra sức khỏe và gắn chíp định vị điện tử, để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của từng con.

Đây là lần thứ hai voọc mông trắng được thả về tự nhiên. Lần đầu tiên vào tháng 8/2011, một gia đình voọc thả cũng thả về Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - nơi cư trú của rất đông quần thể voọc mông trắng.

Voọc mông trắng có tên khoa học Trachypithecus delacouri, là một trong bốn loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và một trong năm loài linh trưởng nguy cấp của Việt Nam. Chúng cũng là loài có tên trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp hàng đầu thế giới.

Một con voọc mông trắng thích nghi dần với điều kiện hoang dã.
Một con voọc mông trắng thích nghi dần với điều kiện hoang dã. (Ảnh: Thu Hiền)

Loài động vật quý hiếm này phân bố nhiều tại các tỉnh Ninh Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Chúng sinh sống chủ yếu trong rừng thứ sinh, trên các cây gỗ mọc trên vách đá cao 4 - 5m và vùng có hang động.

Tổng số cá thể voọc mông trắng đang được nuôi giữ tại EPRC chiếm 10% số voọc còn lại trên thế giới. Trong ba năm 2011-2013, dự án của Việt Nam và Đức dự kiến đưa vào tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long khoảng 10 con voọc sinh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt tại EPRC.

Theo VNE
  • 1.009