Đây chính là loài vật quan trọng nhất đối với người Tây Tạng

  •  
  • 2.502

Bò Tây Tạng là một loài bò lông dài được tìm thấy trong suốt khu vực Himalaya ở miền nam Trung Á, bao gồm cao nguyên Thanh-Tạng và xa về phía bắc tới tận Mông Cổ.

Bò Tây Tạng là loài động vật có vú sống ở vùng núi cao và được coi là loài động vật có vú sống ở độ cao lớn nhất thế giới. Bò Tây Tạng có thân hình mập mạp, lông dày, sống ở dãy Himalaya, cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng (Trung Quốc) và xa về phía bắc tới tận Mông Cổ.

Bò Tây Tạng, còn được gọi là yak hay yak-nuo, trong tiếng địa phương nghĩa là "báu vật".
Bò Tây Tạng, còn được gọi là yak hay yak-nuo, trong tiếng địa phương nghĩa là "báu vật".

Bò Tây Tạng hay còn gọi là Yak, chúng là loài động vật có vú sống trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, phân bố ở những khu vực có độ cao trên 3.000 mét so với mực nước biển, thuộc bộ Artiodactyla và họ Bovidae. Yak có thân hình mập mạp, lông dày, đầu tương đối nhỏ, đuôi ngắn và đặc biệt là móng guốc to và rộng, giống như bàn chân của những con gấu.

Yak phân bố ở các vùng núi cao và có thể chịu được các môi trường khắc nghiệt như lạnh giá, hạn hán và sa mạc hóa. Bò Tây Tạng chủ yếu phân bố ở Tây Tạng, Thanh Hải và các khu vực khác của Trung Quốc, cũng như Ấn Độ, Pakistan, Nepal và các quốc gia trên dãy Himalaya, trên thế giới có 16 triệu con bò Tây Tạng, riêng Trung Quốc chiếm hơn 15 triệu con.

Nguồn gốc của bò Tây Tạng có thể bắt nguồn từ kỷ Pleistocene, khoảng 3 triệu năm trước. Vào thời điểm đó, chúng được phân bố rộng rãi ở phía bắc của lục địa Âu-Á. Mãi đến 700.000 năm trước, tổ tiên của bò Tây Tạng mới bắt đầu di cư đến các vùng đồng cỏ của Trung Á.

Nếu "con trâu là đầu cơ nghiệp" của nông dân Việt Nam, thì sinh kế quan trọng nhất của người dân du mục Tây Tạng là bò. Chỉ cần đến cao nguyên Thanh Tạng, vùng đất rộng lớn và cao nhất vùng Trung Á, bạn sẽ thấy những chú bò Tây Tạng có lông dài thượt rất lạ mắt.

Bò Tây Tạng
Bò Tây Tạng cũng cung cấp sức vóc, thịt, sữa... cho con người.

Tất nhiên, như mọi loại bò khác được nuôi trên thế giới, bò Tây Tạng cũng cung cấp sức vóc, thịt, sữa, thậm chí là cả phân bón cho con người. Cái độc đáo ở loài bò lông dài lượt thượt ấy là ngoài những "công dụng" trên, nó còn tặng người du mục nhiều món quà khác từ sữa của mình.

Từ món uống đại bổ: Trà bơ sữa bò

Nếu đến Tây Tạng, ghé một chiếc lều nào đó hỏi thăm, bạn rất có thể sẽ được mời một ly trà bơ sữa bò béo ngậy. Văn hóa hiếu khách của những người du mục nay đây mai đó thể hiện qua thức trà này.

Trà bơ sữa bò
Trà bơ sữa bò Tây Tạng được khuấy bằng trà đen pu’erh lên men.

Trà bơ sữa bò Tây Tạng được khuấy bằng trà đen pu’erh lên men, thêm một chút muối và phủ bơ. Tuy nhiên, chỉ có một ít bơ là tan vào nước trà, phần lớn còn lại lắng xuống đáy cốc. Nói là uống trà nhưng có vẻ giống... uống bơ hơn.

Vị của trà bơ sữa bò cũng không chỉ béo mà còn mằn mặn. Người ta có thể tùy ý tăng hoặc giảm lượng muối để đổi vị.

Thực chất, người Tây Tạng uống trà là có mục đích rõ ràng. Cao nguyên Tây Tạng nằm trên độ cao 4.500m so với mực nước biển. Nó cực kỳ lạnh lẽo, nên lượng chất béo trong trà bơ sữa bò sẽ giúp người du mục giữ ấm và tích trữ năng lượng đủ dùng cho cả ngày.

Chưa hết, người Tây Tạng còn chắc chắn trà bơ sữa bò của họ giúp ngủ ngon hơn, tăng cả ham muốn tình dục lẫn sức khỏe thể chất.

Cho đến món cực hiếm: phô mai

Nếu uống không hết sữa tươi, các du mục Tây Tạng có thể tận dụng phần còn dư để làm sữa chua hoặc khuấy thành bơ. Khác với bò sữa được nuôi trong các trang trại trên khắp thế giới, bò Tây Tạng vẫn là động vật hoang dã. Có lẽ cũng chính bởi vì thế mà sữa của nó cực giàu chất béo.

Tảng phô mai sữa bò Tây Tạng
Tảng phô mai làm từ sữa bò Tây Tạng.

Chỉ có điều, rất khó để chúng ta được thưởng thức món phô mai được làm từ loại sữa bò đặc biệt này. Trừ khi bạn mò tới tận dãy Himalaya, không thì thật khó để biết được pho mai sữa bò Tây Tạng có mùi vị như thế nào.

Và những chiếc đèn bơ sữa thắp thâu đêm suốt sáng

Nếu viếng thăm các ngôi đền, thiền viện nằm cheo leo trên các sườn núi của dãy Himalaya, bạn sẽ thấy đủ các kiểu đèn lớn nhỏ được thắp sáng suốt đêm ngày. Nhưng nguyên liệu để thắp sáng lại không phải là dầu hay điện, mà là bơ của bò Tây Tạng.

Đèn bơ sữa
Đèn bơ sữa bò tháp sáng suốt ngày đêm.

Văn hóa Phật giáo của phương Đông rất chuộng ánh lửa lập lòe. Họ thường thắp sáng bằng đèn hoặc nến thay vì dùng bóng điện. Ánh sáng từ tốn, ấm áp, êm dịu xuất pháp từ đầu bấc tượng trưng cho sự thiền định và giác ngộ. Cái leo lét, chao đảo của nó thì đại diện cho sự vô thường giữa cõi nhân gian.

Cái tiện lợi của các ngôi đền ở Himalaya là họ có thể tận dụng chất béo được tách từ sữa bò Tây Tạng để làm nguyên liệu duy trì lửa. Sau khi đổ nó vào chậu đồng hoặc đèn cầy, các sư, ni có thể thắp sáng thiền viện cả ngày lẫn đêm.

Cập nhật: 22/08/2024 Theo helino/pnvn
  • 2.502