Thác nước Marmore - Thác nước nhân tạo cao nhất thế giới

  •  
  • 208

Thác nước Marmore cao 165 m ra đời khi người La Mã cổ đại chỉnh dòng sông Velino cách đây 2.200 năm.

Thác nước 3 tầng tuyệt đẹp có tên thác Marmore nằm cách thành phố Terni thuộc vùng Umbria của Italy khoảng 8km về phía đông. Thác nước này từng là một trong những điểm đến mà tầng lớp người Anh trẻ tuổi giàu có ở thế kỷ 17 và 18 thường chọn khi tới Anh và Italy để tìm hiểu nguồn gốc của nền văn minh phương Tây. Sự tò mò đối với thác Marmore không chỉ nằm ở sự kỳ vĩ của nó mà cả ở thực tế đây là kết quả do con người can thiệp vào tự nhiên, theo Amusing Planet.

 Thác Marmore ở Italy.
Thác Marmore ở Italy. (Ảnh: MilaCroft)

Cách đây 2.200 năm, không có thác nước nào trong khu vực. Sông Velino, nơi thác nước tọa lạc, có dòng chảy hoàn toàn khác, đổ vào một đầm lầy ở đồng bằng Reiti. Nước tù đọng trong đầm lầy dường như không tốt cho sức khỏe và bị cho là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ảnh hưởng tới dân cư, vì vậy vị quan người La Mã Manius Curius Dentatus lệnh xây dựng một kênh đào gọi là rãnh Curiano vào năm 271 trước Công nguyên để rút nước từ đầm lầy và dẫn nước đổ vào vách đá tự nhiên ở Marmore, tạo ra thác nước. Từ đó, nước chảy xuống sông Nera bên dưới.

Tuy nhiên, giải pháp trên không hoạt động như dự kiến. Thung lũng Reiti tiếp tục ngập lụt. Khi nước sông Velino dâng cao, nó cũng làm ngập thung lũng Terni, nơi dòng sông đổi hướng. Kênh đào nhân tạo và nạn ngập lụt sau đó trở thành nguồn cơn tranh chấp lâu dài giữa cư dân ở Terni và thung lũng Reiti. Người dân Terni muốn đóng kênh đào trong khi người sống ở thung lũng Reiti muốn tăng lưu lượng của thác để chứa lượng nước dư thừa. Vấn đề giữa hai thành phố căng thẳng đến mức Viện nguyên lão La Mã buộc phải giải quyết vào năm 54 trước Công nguyên nhưng không thể đạt sự thống nhất và xử lý trong nhiều thế kỷ.

Sau khi đế quốc La Mã, các cuộc xâm lược và sự phát triển của chế độ phong kiến khiến nhiều vùng lãnh thổ và đồng quê dần bị bỏ mặc. Do thiếu người bảo trì, đáy của kênh Curiano tích tụ bùn sình và thung lũng Reiti bị ngập trở lại. Mãi tới thế kỷ 15, giáo hoàng Gregory XII lệnh xây dựng kênh đào mới để khôi phục dòng chảy ban đầu. Công tác cải tiến nâng cấp được giáo hoàng Paul III thực hiện vào giữa thế kỷ 16 và lắp đặt một van điều tiết để kiểm soát lưu lượng. Những điều chỉnh cuối cùng đem đến cho thác nước diện mạo như ngày nay được tiến hành bởi kiến trúc sư Andrea Vici dưới sự chỉ đạo của giáo hoàng Pius V1 vào cuối thế kỷ 18.

Andrea Vici có thể giải quyết phần lớn vấn đề ngập lụt, khiến thác nước nguyên vẹn trong 200 năm qua. Tuy nhiên, một nhà máy thủy điện trên sông Velino hiện nay làm lưu lượng của thác tắc hoặc giảm tùy vào thời gian nhà máy xả nước. Nước được xả hai lần mỗi ngày vào 12h - 1h chiều và 4 - 5 giờ chiều. Thác Marmore có tổng chiều cao 165m, biến nó thành thác nước nhân tạo cao nhất thế giới. Trong 3 tầng, tầng trên cùng cao nhất với 83m.

Cập nhật: 20/03/2024 VnExpress
  • 208