“Thành phố huyền thoại” của Peru thực chất là một công trình tự nhiên

  •  
  • 1.316

Những cấu trúc bằng đá phát hiện gần đây ở Peru và được cho là một “thành phố đã mất” cổ thực chất là một công trình tự nhiên chứ không phải do những công nhân Inca xây dựng. Thông tin này do các nhà khảo cổ và Bộ Văn hóa Peru cung cấp, khiến cho dự tính của một quan chức địa phương muốn biến nơi này thành điểm du lịch trở nên mờ nhạt.

Vào ngày 10 tháng 1, cơ quan truyền thông quốc gia Peru đưa tin một lâu đài đá vừa được phát hiện ở một khu rừng phía đông dốc núi Andes. Họ dẫn lời Thị trưởng địa phương cho rằng cấu trúc này được dân làng phát hiện dưới lớp cây cối rậm rạp và được đặt tên là Manco Pata.

Guillermo Torres, thị trưởng của vùng Kimbiri lân cận, cho rằng khu phức hợp có thể là thành phố Paititi, được ghi lại trong thần thoại địa phương là một thành trì do người anh hùng người Inca Inkarri xây dựng sau cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha.

Nhiều tuần sau báo cáo ban đầu của phát hiện, các chuyên gia của Viện nghiên cứu Văn hóa Quốc gia Peru (INC) đã đến khảo sát hiện trường và cuối cùng cũng công bố những phát hiện của mình vào ngày 12 tháng 2.

Trong bài báo cáo dài 4 trang, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “Các loại hóa chất tự nhiên và các quá trình vật lý, bao gồm cả hoạt động địa tầng đã tạo nên những khối đá tại khu vực trên và khiến chúng có vẻ ngoài trông như những bức tường hoặc nền nhân tạo. Không có bằng chứng cho thấy những công trình hoặc tòa nhà khảo cổ có sự tham gia của con người.”

“Phi thực tế”

Bản báo cáo cũng cho biết phân tích địa chất xác định cấu tạo của công trình là sa thạch. “Những phiến đá không có dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp của bàn tay con người, ví dụ như cắt gọt đá.” Các nhà khoa học cũng không tìm thấy dấu vết của vữa ở các góc hoặc cạnh của khối đá. “Thêm vào đó, không có bằng chứng nào là vùng này từng được dùng làm nơi tập trung và chế tác đá.”

Nhóm nghiên cứu ghi chú thêm, những kiến trúc tự nhiên tương tự cũng xuất hiện ở Machu Picchu và không tìm thấy nền móng của những bức tường.

Vào tháng giêng, các nhà khoa học trả lời phỏng vấn của National Geographic News tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của thành phố cổ Paititi, cho rằng những chi tiết lịch sử ghi nhận địa điểm của thành phố huyền thoại này nằm ở một nơi khác thuộc sông Amazon. Tuy nhiên, dựa vào những bức ảnh chụp Manco Pata, một số người vẫn lạc quan về khả năng nơi này có thể là một di tích quan trọng của nền văn hóa Inca hoặc thậm chí tiền Inca.

Gregory Deyermenjian, nhà tâm lý học và chỉ huy đoàn thám hiểm điều tra về thành phố Patiti huyền thoại cho biết: “Những lời khẳng định về một khu vực mở rộng có lẽ quá chính xác đến mức phi thực tế.”

Triển vọng về du lịch?

Nhiều ngày sau khi thị trưởng Torres thông báo phát hiện cho báo giới, ông đã họp với những chuyên viên của INC, nơi công bố Manco Pata được công nhận là di sản quốc gia.

Khi các nhà khoa học kéo đến khu vực này để điều tra nguồn gốc của nó, nhiều lời đồn đại cho rằng Torres sở hữu một công ty du lịch địa phương và dân làng thực chất đã biết đến sự hiện diện của Manco Pata trong nhiều năm.

Alex Lizaraso, trợ lý của Torres khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng một số người dân đã biết về nơi này nhưng giữ im lặng. Ông cho biết Torres sở hữu một công ty nhỏ cung cấp địa điểm giải trí và một hồ bơi cho học sinh ở một thị trấn khác nhưng ông không hy vọng Manco Pata sẽ đem lại nguồn lợi lớn từ du lịch cho công ty. “Ý kiến cá nhân của tôi là mọi người đã phóng đại chuyện thị trưởng quan tâm đến Manco Pata là vì lợi ích cá nhân.”

Văn phòng của Torres không bình luận thêm về bản báo cáo mới của INC.

Các công trình đá thuộc dãy Andes, Peru từng được cho là tàn tích của thành phố cổ Paititi thực chất là một công trình tự nhiên. (Ảnh: National Geographic)

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1.316