Loài thằn lằn mới trong bụng khủng long 4 cánh hóa thạch 125 triệu năm

  •  
  • 1.037

Xác thằn lằn nguyên vẹn trong hóa thạch tìm thấy ở Liêu Ninh, Trung Quốc, hé lộ thói quen nuốt chửng con mồi của khủng long 4 cánh cổ đại.

Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch của một loài thằn lằn mới trong bụng khủng long cổ đại 4 cánh có tên microraptor. Được đặt tên là Indrasaurus wangi, hóa thạch thằn lằn được tìm thấy gần như nguyên vẹn. Con thằn lằn bị nuốt chửng toàn bộ từ đầu đến đuôi. Đây là manh mối quan trọng cung cấp thông tin về thói quen ăn thịt của khủng long 4 cánh.

"Loài thằn lằn mới có răng khác với bất kỳ loài nào được biết tới trước đây từ vùng Nhiệt Hà, giúp tăng thêm sự đa dạng cho nhóm động vật này. Con thằn lằn gần như còn nguyên vẹn và có các khớp, góp phần xác nhận khủng long 4 cánh là động vật săn mồi cơ hội nhanh nhẹn. Chúng nuốt chửng toàn bộ con mồi nhỏ từ phần đầu trước giống như các loài chim ăn thịt và bò sát còn sống ngày nay", nhóm nghiên cứu kết luận trong báo cáo xuất bản hôm 11/7 trên tạp chí Current Biology.

Khủng long 4 cánh ăn thịt thằn lằn bằng cách nuốt chửng.
Khủng long 4 cánh ăn thịt thằn lằn bằng cách nuốt chửng. (Ảnh: Fox News).

Giáo sư Jingmai O'Connor  ở Viện Cổ sinh vật học Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và cộng sự nhận thấy Indrasaurus wangi có bộ răng chưa từng gặp. Đây là lần thứ 4 thức ăn nguyên vẹn được tìm thấy trong bụng khủng long 4 cánh.

Khủng long 4 cánh có những chiếc lông dài ở cả 4 chi, sinh sống cách đây 122 - 125 triệu năm, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Chúng ăn nhiều loài động vật và côn trùng, có chiều dài 76cm và nặng 1kg. Lông của chúng tạo thành bề mặt khí động học ở các chi và đuôi, giúp chúng bay lượn.

Cập nhật: 12/07/2019 Theo VnExpress
  • 1.037