Thay đổi khí hậu đe dọa kinh tế thế giới

  •  
  • 117
Một phúc trình về thay đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với kinh tế thế giới được công bố vào hôm nay.  Bản phúc trình được soạn chủ yếu bởi cựu kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới là ông Nicholas Stern.

Báo cáo nói thay đổi khí hậu tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực

Báo cáo nói thay đổi khí hậu tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực

Nội dung đó nói rằng thay đổi khí hậu tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực và có qui mô lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu và sẽ thật uổng nếu không bỏ tiền ngay vào lúc này để tránh thảm họa ghê gớm về sau này.

Lo ngại

Ông Nicholas Stern là cựu kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng Thế giới và với uy tín của ông thì việc những gì ông nói trong phúc trình hẳn đã gây những ảnh hưởng đáng kể.

Bản phúc trình của ông khuyến nghị là nếu như chúng ta không ra tay tức thì để đương đầu với tình trạng thay đổi khí hậu thì chúng ta có thể tạo ra những hệ quả về kinh tế và xã hội ở mức tương đương với hai cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ trước.

Thủ tướng Anh, ông Tony Blair, nói rằng bản báo cáo trên chính là lời cảnh tỉnh cho các nước trên thế giới. Ông nói thế giới đang phải đương đầu với một thảm hoạ lên tới đỉnh điểm, nếu như không hành động kịp thời: "Tôi cho rằng bản báo cáo đánh dấu mốc quan trọng cho cuộc vật lộn chống lại tình trạng thay đổi khí hậu" .

Ông Nicholas Stern nói thế giới phải hành động ngay

Ông Nicholas Stern nói thế giới phải hành động ngay

Để tránh hệ quả tàn khốc này thì các nền kinh tế trên thế giới phải có hành động một cách cương quyết. Tức là chúng ta phải giảm tới 3 phần tư lượng khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác thải ra trong vòng 45 năm kể từ lúc này.

Tất cả hoạt động chặt phá rừng cần phải ngưng và phải cấp tiền cho các dự án nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Phúc trình nói chi phí để làm những việc vừa kể chỉ mất khoảng 1% GDP toàn cầu nhưng nếu không đếm xỉa gì tới thay đổi khí hậu thì rốt cùng cái giá phải trả cho kinh tế sẽ rất lớn. Chính phủ Anh đã xác nhận rằng họ sẽ cân nhắc một loạt thuế đánh nhằm giảm thải khí CO2.

Nhưng thông điệp chính của bản phúc trình này là cần phải có hành động ở quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề toàn cầu này.

Theo BBC
  • 117