Thay đổi khí hậu tiếp sức cho biển lửa Australia

  •  
  • 592

Tình trạng ấm lên của trái đất giúp những đám cháy rừng tại nam Australia lan với tốc độ chóng mặt, biến thành một cơn bão lửa lịch sử khiến hơn 100 người chết. 

Bức tường lửa tại rừng quốc gia Bunyip cách thành phố Melbourne khoảng 125 km về phía tây. Ảnh: AP.


Đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong vòng một thế kỷ tại Australia khiến nhiệt độ tại một số nơi ở miền đông nam nước này tăng lên tới 46 độ C, trước khi các ngọn lửa xuất hiện và thiêu chết ít nhất 131 người tại bang Victoria. Trong khi đó thì miền bắc đang hứng chịu tình trạng lũ lụt.

Mức độ tàn phá của cơn bão lửa khiến nhiều người Australia sửng sốt, mặc dù họ có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với cháy rừng. Cơ quan Khí tượng thủy văn Australia cho rằng không khí khô nóng và những rừng cây chứa tinh dầu (bạch đàn, thông) bạt ngàn khiến cháy rừng trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đất nước.

Những vụ hỏa hoạn lớn trong quá khứ chứng minh điều này, như sự kiện "Thứ tư tro tàn" vào năm 1983 khiến 75 người thiệt mạng vì lửa trong một ngày. Có 71 người cũng bị thiêu chết trong "Thứ sáu đen tối" vào năm 1939 và vài chục vụ hỏa hoạn khác trong thời kỳ người da trắng bắt đầu khai phá Australia.

Nhưng biển lửa tại Victoria bắt đầu từ ngày 7/2 vừa qua có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong lịch sử Australia và nhiều chuyên gia tin rằng lửa có được sức mạnh ghê gớm nhờ tình trạng thay đổi khí hậu. “Thay đổi khí hậu, thời tiết và hạn hán đang thay đổi bản chất, mức độ nguy hiểm và thời gian tồn tại của các đám cháy rừng”, Gary Morgan, giám đốc Trung tâm nghiên cứu cháy rừng Australia, phát biểu. 

Một lính cứu hỏa nhìn máy bay trực thăng ném bom nước vào đám cháy rừng. Ảnh: AP.


Mark Adams, chuyên gia về cháy rừng của Đại học Sydney, cho rằng tình trạng khí hậu tại Australia ngày càng trở nên khó dự đoán. "Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ngày 7/2 chưa từng xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi chưa có đầy đủ bằng chứng để giải thích điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong ngày 7/2 về mặt thay đổi khí hậu, nhưng tất cả nghiên cứu khoa học từ trước tới nay đều khẳng định thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn trong những năm tới”, Mark nhận xét.

Một nghiên cứu do Cơ quan Khí tượng thủy văn Australia và tổ chức CSIRO trực thuộc chính phủ cho thấy, số ngày có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như 7/2 có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 nếu tình trạng thay đổi khí hậu hiện nay không đảo ngược. Tổ chức Greenpeace thì khẳng định những thảm họa giống như vụ cháy tại bang Victoria sẽ phổ biến hơn trong tương lai nếu tốc độ thay đổi khí hậu không giảm.

“Do thay đổi khí hậu tiếp tục diễn ra, Australia đối mặt với một viễn cảnh mà trong đó hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và lốc xoáy diễn ra thường xuyên hơn. Sự tàn khốc của thảm kịch tại bang Victoria là hồi chuông cảnh báo để các chính trị gia hiểu được mức độ khẩn cấp của vấn đề thay đổi khí hậu”, John Hepburn, một trong những lãnh đạo của Greenpeace, phát biểu.

David Packham thuộc Đại học Monash (Australia) khẳng định rằng, giới chức không biết cách quản lý rừng nên vô tình để rừng trở thành nguồn cung cấp tinh dầu cho các ngọn lửa. Ông cho biết trong suốt vài nghìn năm, thổ dân tại xứ chuột túi sử dụng biện pháp đốt một khoảng trong rừng để ngăn chặn lửa lây lan khi có cháy. David khuyên giới chức áp dụng biện pháp của thổ dân.

Theo VnExpress (AFP)
  • 592