Thí nghiệm đầu tiên với máy gia tốc hạt lớn LHC

  •  
  • 1.399

Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) đã thực hiện thành công thí nghiệm tạo ra va chạm trực diện giữa các hạt proton sinh ra năng lượng cực lớn, điều mà chưa bao giờ được thực hiện trong máy gia tốc hạt lớn với tên gọi LHC.

Sự va chạm giữa các hạt proton được thực hiện ở cấp độ 7 TeV là kết quả sau gần 20 năm miệt mài nghiên cứu của các nhà khoa học tại CERN.

Các nhà khoa học hy vọng qua các nghiên cứu được thực hiện với LHC, một kỷ nguyên mới của ngành vật lý cơ bản sẽ được mở ra.

Máy gia tốc hạt lớn hứa hẹn cho phép loài người hiểu hơn về nguồn gốc của vũ trụ, thậm chí làm sáng tỏ một số bí ẩn về vật chất với việc xác định các hạt hiện chỉ tồn tại về mặt lý thuyết.

Những thí nghiệm đầu tiên với LHC đã được các nhà khoa học của CERN thực hiện thành công vào hồi 13 giờ chiều ngày 3/3 tại trụ sở của tổ chức này.

Sau thông báo thành công của thí nghiệm lịch sử này, ông Rolf Heuer, Giám đốc của CERN cho biết "Chúng tôi rất hạnh phúc và xúc động. Đây là thời khắc tuyệt vời của giới khoa học."

Công suất lớn như hiện nay của LHC sẽ cho phép các nhà khoa học khám phá những bí ẩn của thế giới và được coi là một cuộc cách mạng của khoa học.

Máy gia tốc được coi có thể cạnh tranh được với LHC là máy Fermilab tại Chicago, Mỹ mới chỉ thực hiện thí nghiệm va chạm proton ở cấp độ 2 TeV.

Trong khi đó, LHC phát huy hết công suất có thể thực hiện va chạm proton ở cấp độ 14 TeV./.

Theo Vietnam+
  • 1.399