Thiên thạch lớn nhất thế giới "mất tích" hơn 100 năm trước

  •  
  • 346

Từ năm 1916 đến nay, các nhà khoa học vẫn tìm kiếm thiên thạch khổng lồ, từng được miêu tả là "ngọn đồi sắt" rộng 100m ở sa mạc Sahara.

Nhóm ba nhà vật lý từ Đại học Hoàng gia London và Đại học Oxford ở Anh nghiên cứu các tình huống xung quanh thiên thạch Chinguetti bí ẩn và phát triển một phương pháp để xác nhận xem liệu nó có thực sự tồn tại hay không, Phys hôm 1/3 đưa tin. Trong nghiên cứu đăng trên cơ sở dữ liệu arXiv, Robert Warren, Stephen Warren và Ekaterini Protopapa đề xuất một số vị trí có thể là nơi thiên thạch hạ cánh và việc tiến hành một cuộc khảo sát bằng từ kế trong khu vực có thể lý giải bí ẩn về thiên thạch này.

 Một mảnh thiên thạch Chinguetti.
Một mảnh thiên thạch Chinguetti. (Ảnh: Claire H/Flickr/CC-BY-SA-2.0).

Năm 1916, Gaston Ripert, một quan chức của lãnh sự quán Pháp, thông báo với các đồng nghiệp rằng mình phát hiện một "ngọn đồi sắt" ở một địa điểm thuộc sa mạc Sahara, cách thành phố Chinguetti, Mauritania, tây bắc châu Phi, khoảng 45 km. Ripert mang về một mảnh đá-sắt nặng 4,5kg, tuyên bố nó được lấy từ đỉnh ngọn đồi sắt khổng lồ rộng 100m. Ông cho biết, mình được một người địa phương bịt mắt và dẫn đến ngọn đồi này.

Các nhà khoa học cho rằng lời giải thích khả dĩ duy nhất cho việc vật thể như vậy tồn tại trên sa mạc là một vụ va chạm thiên thạch. Vật thể được gọi là thiên thạch Chinguetti theo tên thành phố Chinguetti gần đó. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu lời tường thuật của Ripert và kiểm tra khu vực mà ông tuyên bố đã nhìn thấy ngọn đồi sắt, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy vị trí thiên thạch đáp xuống. Nếu tồn tại, đây sẽ là khối vẫn thạch (phần còn lại của thiên thạch lao qua khí quyển, rơi xuống bề mặt Trái đất) lớn nhất thế giới.

Trong nghiên cứu mới, ngoài xem lại những manh mối đã có, Robert, Stephen và Ekaterini cũng tiến hành nghiên cứu riêng để giải đáp bí ẩn. Theo đó, việc không có hố va chạm có thể do thiên thạch lao xuống ở góc rất thấp trước khi chạm đất. Những cuộc tìm kiếm trước đây không mang lại kết quả có thể vì ngọn đồi sắt đã bị cát che lấp, thiết bị không chính xác hoặc tìm kiếm sai khu vực.

Một điều thú vị là Ripert miêu tả rằng có những chiếc "kim" kim loại trong mảnh thiên thạch nhỏ và ông đã cố gắng loại bỏ chúng nhưng không thành công. Robert, Stephen và Ekaterini suy đoán rằng những cấu trúc dẻo này có thể là các pha sắt-niken gọi là "cấu trúc Thomson". Khái niệm về cấu trúc này chưa xuất hiện vào năm 1916 nên khó có khả năng Ripert bịa đặt một quan sát như vậy.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia cũng lần đầu tiên sử dụng các mô hình độ cao kỹ thuật số, dữ liệu radar và phỏng vấn những người cưỡi lạc đà địa phương để khoanh vùng nơi Gaston từng được dẫn đến. Theo lời tường thuật của Ripert, hành trình này kéo dài nửa ngày.

Căn cứ vào những cồn cát đủ cao để che giấu thiên thạch khổng lồ, nhóm nghiên cứu xác định được một số khu vực tiềm năng. Họ xin dữ liệu khảo sát từ tính trên không từ Bộ Mỏ và Năng lượng Dầu khí Mauritania, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyền truy cập. Một cách khác là đi bộ rà quét khu vực để tìm kiếm thiên thạch, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian. "Nếu kết quả không khả quan, bí ẩn về câu chuyện của Ripert vẫn chưa thể giải đáp và vấn đề về những chiếc kim dẻo cũng như phát hiện tình cờ về mảnh đá-sắt sẽ vẫn còn đó", nhóm nghiên cứu viết.

Cập nhật: 05/03/2024 VnExpress
  • 346