Thiên thạch nổ mạnh bằng 30 tấn TNT ngày đầu năm

  •  
  • 1.933

Thiên thạch nặng hơn 450kg, di chuyển với vận tốc 72.400km/h, nổ tung khi lao xuống khí quyển Trái đất hôm 1/1.

Chớp sáng từ thiên thạch mà vệ tinh ghi nhận được hôm 1/1.
Chớp sáng từ thiên thạch mà vệ tinh ghi nhận được hôm 1/1. (Ảnh: Twitter/NWSPittsburgh)

Người dân ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, nghe thấy một tiếng nổ lớn ngoài trời ngay trước 11h30 hôm 1/1 theo giờ địa phương (23h30 giờ Hà Nội). Nhiều bản báo cáo mô tả cửa sổ và các vật dụng trong nhà rung lắc. Nguyên nhân thực chất là một thiên thạch lớn phát nổ trong khí quyển Trái đất với năng lượng tương đương 30 tấn thuốc nổ TNT, theo tổ chức Meteor Watch thuộc NASA.

Các chuyên gia ước tính thiên thạch rộng khoảng 0,9 m với khối lượng 453 kg. Nhiều khả năng nó đang di chuyển với vận tốc hơn 72.400 km/h khi nổ tung trong khí quyển Trái đất. Nếu lúc đó trời không nhiều mây, vụ nổ có thể sáng gấp khoảng 100 lần trăng tròn và vẫn quan sát được dưới ánh sáng ban ngày.

Một số người miêu tả vụ nổ thiên thạch giống như chớp sáng có màu hơi tím khi nhìn xuyên qua những đám mây, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). NOAA cho biết, vệ tinh quan sát Trái đất GOES-East cũng ghi nhận được sự kiện này.

Sự kiện ở Pittsburgh xảy ra chỉ vài tháng sau khi một quả cầu lửa được phát hiện phía trên Tây Virginia ngày 17/9/2021. Các chuyên gia sau đó xác định cầu lửa này là thiên thạch cháy trong khí quyển. Nó gây ra tiếng nổ lớn và làm mặt đất rung chuyển, khiến một số người cho rằng xảy ra động đất.

Một trong những vụ nổ thiên thạch ấn tượng nhất vài thập kỷ qua là vụ nổ thiên thạch Chelyabinsk năm 2013. Thiên thạch kích thước bằng ngôi nhà khiến bầu trời Nga sáng rực trong giây lát. Nó nổ tung trên cao, giải phóng năng lượng mạnh gấp 20 - 30 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Cập nhật: 06/01/2022 Theo VnExpress
  • 1.933