Trở ngại lớn nhất trong giao tiếp giữa người khiếm thính và người bình thường là hai bên không thể trao đổi trực tiếp được với nhau. Mặc dù ngôn ngữ cử chỉ đã giúp xóa bỏ phần nào trở ngại này, nhưng hầu hết chúng ta không thể thông hiểu các dấu hiệu của bàn tay.
Chính vì vậy, nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Houston (Mỹ) đã tìm tòi nghiên cứu và cho ra đời một thiết bị đặc biệt, có khả năng đọc được ngôn ngữ cử chỉ và “dịch” chúng thành lời nói.
Thiết bị có tên MyVoice gồm có một mi-crô, loa, hệ thống âm thanh, camera và màn hình (ảnh). Khi sử dụng, người dùng chỉ việc đặt thiết bị ở vị trí thích hợp để nó có thể ghi nhận các dấu hiệu ngôn ngữ cử chỉ. MyVoice có nhiệm vụ xử lý các chuyển động của cơ thể, sau đó “thông dịch” lại bằng một giọng nói điện tử. Tương tự như vậy, nó sẽ ghi âm tiếng nói của một người rồi dịch nội dung câu nói sang ngôn ngữ cử chỉ và hiển thị chúng lên màn hình.
Được biết, để tạo ra nguyên mẫu MyVoice, nhóm nghiên cứu đã phải nhờ đến sự trợ giúp của cộng đồng người khiếm thính để tập hợp cơ sở dữ liệu về các hình ảnh của ngôn ngữ cử chỉ. Seto, một thành viên của nhóm, cho biết: “Thông thường, một dấu hiệu cử chỉ chứa đựng từ 200-300 hình ảnh”.