Thiết giáp "Kẻ hủy diệt" của Nga - BMPT-72 Terminator-2: Vũ khí thay đổi cuộc chơi

  •  
  • 1.427

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng UralVagonZavod đã bắt đầu chuyển giao hàng loạt xe chiến đấu hỗ trợ xe tăng BMPT-72 Terminator-2 - “kẻ huy diệt” cho quân đội Nga và từng bước được biên chế cho các đơn vị tăng thiết giáp chủ lực.

Bình luận về việc quân đội Nga đưa vào trang bị hàng loạt BMPT-72, cựu Đại tá Mikhail Khodarenok cho rằng, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang gần đây cho thấy các phương tiện chiến đấu bọc thép hoạt động trong các khu vực đô thị hoặc địa hình phức tập luôn dễ dàng trở thành "con mồi" cho súng phóng lựu chống tăng (RPG) và tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM).

Để giải quyết mối lo ngại này, các kỹ sư thiết kế tại UralVagonZavod đã phát triển một phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng đặc biệt giúp các đơn vị thiết giáp loại bỏ các nguy cơ đến từ lực lượng bộ binh đối phương vốn được trang bị RPG và ATGM.


Phương tiện chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT-72 tham gia lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Frankfurter Rundschau)

BMPT-72 về cơ bản được thiết kế hoạt động cùng các đơn vị xe tăng hoặc bộ binh cơ giới trong một đội hình chiến thuật chung, nhiệm vụ chính của nó là loại bỏ các mối đe dọa từ bộ binh đối phương cũng như tấn công các mục tiêu khác.

Thiết kế của BMPT-72 được xây dựng dựa trên việc nâng cấp phiên bản BMPT ban đầu, cả hai đều sử dụng khung gầm xe tăng T-72.

Trọng lượng chiến đấu của mỗi chiếc BMPT-72 là 44 tấn, vũ khí chính của nó là hai pháo tự động 30mm 2A42 (850 viên), súng máy đồng trục 7,62 mm PKTM (2.100 viên đạn), súng phóng lựu tự động 30mm AGS (600 viên đạn) và một tổ hợp 4 tên lửa chống tăng dẫn đường Ataka-T.

So với phiên bản BMPT đầu tiên, Terminator-2 chỉ cần kíp chiến đấu 3 người để vận hành.

Theo Khodarenok, không dễ để các phương tiện chiến đấu bọc thép như BMPT có chỗ đứng trong quân đội Nga vốn đang vận hành quá nhiều dòng xe tăng chiến đấu chủ lực lẫn xe chiến đấu bộ binh, việc nó được đưa vào sản xuất hàng loạt đã một phần nào đó cho thấy vai trò của BMPT trên chiến trường trong tương lai.

Cũng phải cần nói thêm rằng việc phát triển một phương tiện bọc thép như BMPT đã được thực hiện từ thời Liên Xô và sau đó là Nga. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên được bắt đầu từ năm 2007 nhưng ở thời điểm đó quân đội Nga vẫn chưa quyết định được BMPT sẽ được sử dụng nó ra sao và trong hoàn cảnh nào.


Các hệ thống vũ khí cơ bản trên một chiếc BMPT-72. (Ảnh RIA)

Ngoài ra có những ý kiến trái chiều về đề án này từ những người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga khi đó, việc quân đội Nga lưỡng lự việc đưa vào trang bị sớm BMPT là điều hoàn toàn dễ hiểu.

May mắn một lần nữa mỉm cười với BMPT khi nó được thử nghiệm ở Syria. Một số ít phương tiện đã được quân đội Nga gửi đến vùng chiến sự, nơi chúng chứng minh được khả năng hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng thiết giáp và bộ binh của Nga và cả quân đội Syria. Hoạt động của BMPT-72 ở Syria đã làm thay đổi cách nhìn của tướng lĩnh Nga về loại vũ khí mới mẻ này.

Nga sẽ sử dụng BMPT-72 như thế nào?

Quay lại với câu hỏi quân đội Nga sẽ sử dụng BMPT-72 ra sao và trong hoàn cảnh nào, Khodarenok cho rằng nó sẽ theo những hướng cụ thể.

Thứ nhất, các phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng lúc này có thể hoạt động theo một đội hình chiến thuật chung với xe tăng. Trước đây, quân đội Nga không có bất cứ phương tiện hỗ trợ hỏa lực bọc thép nào sở hữu sức mạnh lẫn khả năng phòng vệ tương một chiếc xe tăng.

Theo như chương trình huấn luyện thiết giáp của quân đội Nga, các phương tiện chiến đấu bọc thép hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh cơ giới thường phải hoạt động phía sau mũi tấn công của xe tăng từ 100-200m, điều này vô tình tạo ra một khoảng trống cho phép đối phương có thể vô hiệu hóa các xe tăng đi trước bằng các loại vũ khí chống tăng.


BMPT-72 trong thời gian thử nghiệm ở Syria. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Trong khi đó với BMPT-72, di chuyển song song với mũi tấn công xe tăng ngay trên tuyến đầu cho phép loại bỏ các mối đe dọa từ bộ binh kẻ thù, cũng như tạo cơ hội cho xe tăng trong đội hình tiêu diệt các mục tiêu bọc thép của đối phương.

Với sự phổ biến của vũ khí chống tăng cầm tay trong các đơn vị bộ binh hiện đại và thậm chí cả các nhóm phiến quân hay phần tử khủng bố, việc vô hiệu hóa lực lượng bộ binh đối phương giờ đây đòi hỏi sự kết hợp của nhiều loại phương tiện khác nhau.

Hiệu quả chiến đấu của các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thiết giáp bao gồm một tiểu đoàn xe tăng và một đại đội BMPT-72 dự kiến sẽ tăng từ 15-25%, tùy thuộc vào loại hình tác chiến. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả trong phối hợp giữa xe tăng và phương tiện hỗ trợ thì cần tiến hành huấn luyện và diễn tập chung giữa các đơn vị.

Có nhiều kiểu chiến thuật khác nhau được phát triển cho phương tiện chiến đấu hỗ trợ tăng, chúng có thể được sử dụng để tấn công hoặc phòng thủ, chiến đấu độc lập với kẻ thù cho đến bảo vệ tiền đồn từ xa.

Thứ 2, việc đưa vào trang bị một mẫu vũ khí hoàn toàn mới như BMPT (chưa từng có trước đó) sẽ tạo ra không ít khó khăn cho công tác huấn luyện và hậu cần kỹ thuật. Điều này buộc quân đội Nga phải có những thay đổi nhất định trong hệ thống hậu cần đi kèm các đơn vị thiết giáp hoặc bộ binh cơ giới.

Dựa trên kinh nghiệm và nghiên cứu tích lũy được từ Liên Xô và sau này là Nga về các phương tiện hỗ trợ chiến đấu, sau thành công của BMPT-72, UralVagonZavod tiếp tục cho ra đời một phương tiện khác có tên AU-220M Baikal, dự kiến sẽ đặt trên khung gầm bánh xích đa năng Armata (với một mô-đun chiến đấu không người lái) và được trang bị một pháo tự động 2A91 57mm.

Tổ hợp pháo này được điều khiển từ xa, có thể lắp trên các nhiều khung gầm bọc thép khác nhau kể cả các mẫu xe kiểu cũ như một cách tăng hiệu quả chiến đấu. Nhờ các loại đạn xuyên giáp, pháo 57mm (2A91) có thể vô hiệu hóa hầu hết các loại thiết giáp hiện có - nó cũng đi kèm với nhiều loại đạn cho phép đảm nhận vai trò phòng không tầm thấp.

Cập nhật: 10/05/2022 Theo VTC
  • 1.427