Đôi tai là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể, chúng tiếp nhận nguồn âm thanh và phối hợp cùng não bộ để giải mã thông tin ghi nhận được.
Bạn đã từng gặp phải trường hợp đã thuộc nằm lòng lời của một bài hát, nhưng rồi sau đó bỗng nhận ra có một vài từ sai so với bản gốc? Thật ra, thính giác là giác quan dễ thay đổi nhất – âm thanh mà chúng ta nghe được không phải lúc nào cũng là âm thanh đi vào tai chúng ta, đó là lý do tại sao đôi khi thông tin tiếp nhận được lại sai sót.
Giống như tất cả các giác quan khác, thính giác yêu cầu sự phối hợp giữa đôi tai và não bộ. Đó là một hệ thống phức tạp với nhiều bộ phận liên kết với nhau để có thể giải mã âm thanh tiếp nhận một cách chính xác nhất. Thính giác là một trong những giác quan quý giá nhất của con người, cho phép chúng ta giao tiếp và kết nối xã hội. Mặc dù con người cũng có thể "giao tiếp" thông qua chữ viết, nhưng thật ra nghe thấy giọng của một ai đó vẫn mang lại cảm giác chân thực hơn cả.
. Thính giác là một trong những giác quan quý giá nhất của con người.
Vậy thì, thính giác thực sự hoạt động như thế nào? Chúng ta hãy cùng đi sâu tìm hiểu lần lượt về cơ chế phối hợp của tai và não bộ để biết được làm thế nào mà giác quan này có thể giúp chúng ta kết nối với thế giới xung quanh.
Khi vật gì đó phát ra âm thanh, âm thanh đó sẽ truyền trong không khí dưới dạng sóng âm hoặc những dao động. Sau đó, những dao động này truyền đến và chạm phải phần tai ngoài, nơi mà quá trình tiếp nhận âm thanh bắt đầu.
Cấu tạo của phần tai ngoài giúp bắt lấy âm thanh tốt hơn, nó giống như một cái phễu thu lấy những dao động trong không khí. Nhiều loài động vật có tai hình tách trà, lớn hơn rất nhiều so với tai người, chỉ để chúng có thể thu được âm thanh tốt hơn.
Sau khi tai ngoài thu nhận âm thanh, sóng âm sẽ truyền vào phần tai giữa nơi đặt màng nhĩ.
Để tới được màng nhĩ, âm thanh phải đi qua ống tai, đây là nơi mà bạn hay thấy xuất hiện ráy tai. Chúng có vẻ bẩn, nhưng thực ra có tác dụng giữ cho tai được sạch sẽ, ngăn bụi bấn, mảnh vụn và vi sinh vật xâm nhập vào bên trong. Tốt nhất là bạn đừng nên dùng tăm bông hoặc các vật dụng khác để lấy ra, vì nó có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và tạm thời ảnh hưởng đến thính giác của bạn.
Nhờ ráy tai, âm thanh có thể đi qua ống tai mà vẫn có thể chặn lại những thành phần không mong muốn đi theo vào màng nhĩ, một màng mô mỏng, có chức năng như là tấm lưới chắn phân cách giữa phần tai ngoài và tai giữa. Tại đây, các sóng âm sẽ khiến cho màng nhĩ rung lên.
Từ màng nhĩ, sóng âm đươc truyền đến 3 xương nhỏ (còn gọi là các xương thính giác) nằm ở phần tai giữa của bạn. Có thể bạn đã từng nghe nhắc đến chúng ở đâu đó với cái tên như xương búa, xương đe, và xương bàn đạp, xuất phát từ hình dạng của những cái xương này. Nhiệm vụ của chúng là khuếch đại âm thanh khi rung lên.
Sự dao động này sẽ giúp cho âm thanh tiếp tục đi sâu hơn vào bên trong tai.
Mỗi tín hiệu giác quan được xử lý ở một phần khác nhau của não bộ.
Ở phần tai trong, âm thanh sẽ đến nơi đặt ốc tai. Ốc tai là một ống hình xoắn ốc, nhìn giống như vỏ của một con sên. Mặc dù nhỏ bé, nhưng nó có cấu trúc khá phức tạp, bao gồm nhiều bộ phận nhỏ phối hợp với nhau để giải mã âm thanh. Ví dụ như, nó có chứa các tế bào lông với nhiệm vụ phân biệt âm thanh tần số cao và tần số thấp. Ốc tai còn giải quyết một quá trình phức tạp đó là chuyển âm thanh thành các xung điện từ và tiếp tục được truyền đến não bộ.
Từ ốc tai, những xung điện từ này sẽ "đại diện" cho âm thanh chúng ta nghe được, đi qua dây thần kinh thính giác để đến não bộ.
Mỗi tín hiệu giác quan được xử lý ở một phần khác nhau của não bộ. Đối với âm thanh, quá trình xử lý sẽ xảy ra ở vỏ não thính giác. Phần võ não này giúp chúng ta hiểu được một âm thanh có ý nghĩa gì, nguồn gốc và thứ tạo ra nó.
Tất nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng hoàn hảo nên âm thanh giải mã được đôi khi sẽ không chính xác. Tuy nhiên, thông thường não bộ vẫn hoàn thành rất tốt phần việc của mình.
Dẫu cho khả năng nghe của con người đã rất ấn tượng, thế nhưng vẫn có những tầng mức âm thanh mà chúng ta không thể chạm tới. Ví dụ như những âm thanh tần số cao, bạn sẽ hoàn toàn không nghe thấy gì nhưng chú chó của bạn lại có thể phản ứng với nó.
Một bật mí nho nhỏ khá thú vị, thật ra loài côn trùng có thính giác siêu việt nhất trên thế giới lại là loài bướm đêm có tên là Galleria mellonella thuộc họ Pyralidae. Trong khi chúng ta sử dụng thính giác để giao tiếp và định vị, thì đây lại là vấn đề sống còn với những chú bướm này. Thính giác siêu nhạy cho phép chúng phát hiện và tránh những con dơi săn mồi bằng cách định vị tiếng vang.