Thời kỳ Tăm tối trong lịch sử loài người tối cỡ nào?

  •  
  • 2.831

Đế chế La Mã sụp đổ đã không biến Châu Âu trở thành một khu vực tụt hậu, bị thống trị bởi bạo lực. Đó là những nhận định sai lầm của những nhà sử học trước đây. Ngày nay, chúng ta đã có cái nhìn khác về Thời kỳ Tăm tối.

Thời kỳ Tăm tối luôn là chủ đề khơi gợi trí tò mò của người ham hiểu biết. Lý do có thể là man tộc chiếm đóng cả lục địa Châu Âu vốn do người La Mã cai quản, cũng có thể vì khoa học và nghệ thuật “ngủ đông” suốt 300 năm; thời kỳ được cho là loạn lạc bậc nhất lịch sử vẫn nuốt trọn hàng sa số giấy mực của các nhà nghiên cứu.

Sự thật là đây, thiếu thông tin chính xác là một trong những lý do chính khiến thời kỳ này tăm tối trong con mắt người hiện đại. Thông thường, chúng ta vẫn coi đây là thời kỳ không xuất hiện anh hùng cứu thế, với văn hóa và nghệ thuật lụi tàn, nền kinh tế xuyên lục địa lụn bại, điều kiện sống xuống thấp khi không hiện hữu công nghệ mới hay đột phá khoa học.

Thời kỳ Tăm tối luôn là chủ đề khơi gợi trí tò mò của người ham hiểu biết.
Thời kỳ Tăm tối luôn là chủ đề khơi gợi trí tò mò của người ham hiểu biết.

Khoảng thời gian tai tiếng thu hút những người đam mê sử học, nhưng trong khi các học giả và người quan tâm tiếp tục tìm kiếm những liên kết giữa Thời kỳ Tăm tối với những anh hùng trong sử sách, khái niệm “Thời kỳ Tăm tối” đang dần biến mất trong từ điển của các nhà nghiên cứu lịch sử thực thụ. Họ cho rằng những người đầu tiên sử dụng cụm từ này đã đưa vào khái niệm những giả định, những định kiến sai lầm.

Ngày nay, không nhà nghiên cứu học thuật nào sử dụng nó cả, bởi lẽ đây là một trong những thời kỳ lịch sử thú vị và đầy sức sống nhất lịch sử, sau mỗi năm chúng tôi lại có thêm những dữ liệu mới về khoảng thời gian này”, Julia Smith, giáo sư lịch sử trung cổ công tác tại Đại học Oxford nhận định.

Dưới đây là một số thông tin mới về thời kỳ “Trung Cổ Sớm - Early Middle Age”, kéo dài từ thế kỷ thứ 5 tới thế kỷ thứ 10, khái niệm được các chuyên gia hiện đại sử dụng thay “Thời kỳ Tăm tối”.

Cái bóng của các đế quốc

Trong sử sách, nguồn gốc khái niệm “Thời kỳ Tăm tối” cũng không rõ ràng sáng sủa, nó được thường được dùng để ca tụng thành tựu văn hóa của các đế chế Hy Lạp và La Mã, với hàm ý so sánh giữa hai thời kỳ thịnh vượng và lụi tàn.

Đấu trường La Mã
Đấu trường La Mã, ví dụ cho thấy kiến trúc của Đế chế La Mã vĩ đại nhường nào.

Khái niệm mơ hồ này tiếp tục tồn tại tới Thời kỳ Khai sáng. Giáo sư sử học trung cổ Alban Gautier nhận định rằng nhiều học giả đương thời dùng nó để chỉ sự vĩ đại nơi các công trình của người La Mã, rồi so sánh chúng với những kiến trúc bằng gỗ của thời kỳ sau.

Cụm từ [Thời kỳ Tăm tối] cắm rễ sâu vào những ý tưởng hình thành ở miền Tây Âu hồi thế kỷ 19, cho rằng có những nền văn minh cao cấp hơn những nhóm người khác. Nhận định này trở nên khó nghe ở thời kỳ hiện tại”, giáo sư Gautier nói.

Nhà sử học công tác tại Đại học Caen-Normandy tin rằng khái niệm “Thời kỳ Tăm tối” vẫn sở hữu những hàm ý mang tính học thuật - nhất là khi được sử dụng bởi các nhà sử học. Dù người La Mã rất giỏi giữ tài liệu, rất hiếm giấy tờ ghi lại những sự kiện lịch sử từ thế kỷ thứ Năm, rồi tới vài trăm năm sau đó nữa, còn tồn tại tới giờ.

Thực sự tăm tối. Quá khó cho các nhà sử học có thể hiểu được chuyện gì xảy ra”, giáo sư Gautier nhận định.

Nghệ thuật chìm trong bóng tối

Thế nhưng giáo sư Gautier vẫn chỉ ra những trường hợp ngoại lệ đáng chú ý. Sau khi đế chế Hy Lạp sụp đổ và kéo theo hàng loạt hệ lụy như sự ra đi của hệ thống giáo dục, Nhà thờ Công giáo đã giúp đỡ ít nhiều cho tiến trình học hành của người dân nhiều vùng Châu Âu.

Nhà thờ ở miền Tây Âu và tất cả những miền thuộc phía Bắc Địa Trung Hải đều trở thành những biểu tượng của sự ổn định”, giáo sư Gautier nói. Các thầy tu làm việc không ngừng nghỉ để bảo tồn văn chương và các tài liệu khoa học còn sót lại từ thời trước.

Tất nhiên mục đích của họ là phục vụ tôn giáo, nhưng để đạt ước nguyện đó, họ sẽ phải biết chữ Latin”, giáo sư Gautier nhận định. “Hiểu được ngữ pháp Latin đồng nghĩa với việc lưu giữ kiến thức và học hỏi được từ những văn bản trong tiếng Latin”.

Tàn tích của những nền văn minh cổ đại
Khi nền văn minh sụp đổ, những thành tựu còn sót lại chỉ là những công trình đá sống được nhiều ngàn năm và những thư viện kiến thức mỏng manh.

Cùng thời điểm này tại Anh, số lượng các áng văn chương ít ỏi không đồng nghĩa với việc người có học thức không sáng tác được bất cứ tác phẩm nào. Thực tế, nhiều những nhân vật huyền thoại trong lịch sử văn học Anh Quốc xuất hiện trong thời kỳ được cho là tăm tối này.

Trong một bài thơ được với tác giả được cho là tới từ xứ Wale thế kỷ thứ 6, các nhà sử học lần đầu tiên thấy phép so sánh giữa một chiến binh với vị vua Arthur trứ danh sống tại cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6. Tuy nhiên, giáo sư Bryan Ward-Perkins cho rằng chiến binh anh dũng được nhắc tới trong bài thơ không phải là hình tượng Arthur.

Chưa hết, dù thiên anh hùng ca lâu đời nhất về Beowulf được thảo hồi thế kỷ thứ 10, một số học giả cho rằng đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện truyền miệng đã tồn tại từ rất lâu trước đó.

Kinh tế suy sụp

Thời kỳ Tăm tối còn một đặc tính khác, là không còn những công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm. Các trấn, thành phố lớn không còn dựng tượng, đồng thời cơ sở hạ tầng từ thời La Mã, đơn cử như đường dẫn nước, bắt đầu xuống cấp khiến chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.

Dân số tại những kinh đô lớn như Rome, Constantinople giảm mạnh, thế nhưng giáo sư Gautier tin rằng cuộc sống vùng nông thôn lại được cải thiện, nhất là khu vực đồng quê tại Anh Quốc. Trong thời kỳ La Mã, nông dân phải nộp thuế đều đặn cho những người cai quản thành phố, nhưng khi hệ thống điều hành sụp đổ, nhiều khả năng thuế má đã biến mất.

Rome sụp đổ
Rome sụp đổ.

Thành phố, thị trấn bé lại. Vì lẽ đó mà nông dân không cần phải làm việc cật lực để nuôi sống cả thành phố nữa”, giáo sư Gauiter nói.

Nhưng theo giáo sư Ward-Perkins, có những bằng chứng khảo cổ cho thấy hiện trạng thiếu lương thực trong các cộng đồng cư dân. “Một yếu tố khác lý giải cho sự ‘tăm tối’ là ít bằng chứng còn sót lại, nhiều khả năng là do nền kinh tế sụp đổ”, ông nhận định.

Các nhà nghiên cứu không còn tìm ra nhiều những bằng chứng cho thấy cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường. Các khu khảo cổ rải rác khắp Châu Âu, có niên đại từ năm 450 vắng bóng tiền mới, đồ gốm hay gạch lợp mái. Phải tới năm 700, chúng mới tái xuất.

Khoa học và kỹ nghệ ẩn trong màn đêm

Còn một khẳng định nữa liên quan tới Thời kỳ Tăm tối, đó là sự tụt hậu của khoa học và hiểu biết. Đúng là Tây Âu không còn đạt được nhiều thành tựu so với khoảng thời gian sau này, văn hóa và học thức ở miền Nam Địa Trung Hải bùng nổ mạnh mẽ, đồng thời một loạt vương quốc theo đạo Hồi xuất hiện.

Tại Châu Âu, vẫn còn những công nghệ hữu dụng tồn tại, chẳng hạn như cối xay nước. Còn về vấn đề học thuật, lịch sử chứng kiến Isidore xứ Seville, một vị giám mục và học giả tiếng tăm, đã chép lại một cuốn bách khoa toàn thư về kiến thức kinh điển. Nếu không có cuốn Etymologiae của ông, nhân loại đã bị hổng mất một lượng lớn hiểu biết.

Một trang của Etymologiae
Một trang của Etymologiae.

Ở những vùng đảo gần Anh Quốc ngày nay, nhiều cộng đồng người phát triển kỹ thuật nạm ngọc độc đáo. Những chiếc mặt nạ được đính đá lấp lánh xuất hiện ở nhiều nơi tại Châu Âu, có trong cả những quan tài của người Viking.

Đúng là Thời kỳ Tăm tối khởi đầu với sự sụp đổ của đế chế La Mã, thời kỳ Trung cổ - bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 8 - chứng kiến sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo kỳ tài. Có thể kể tới Charlemagne tới từ Pháp, người đã gần như thống nhất được toàn cõi Châu Âu.

Đa số học giả đồng tình cho rằng thời kỳ được cho là tăm tối này đại diện cho thực trạng lụi tàn bao phủ phần lớn Châu Âu, rất nhiều giả định liên quan đã không còn đúng nữa. Phần lớn định kiến cho rằng đây là thời kỳ của bạo lực, khổ sở và tư duy tụt hậu cũng đã bị những bằng chứng khảo cổ phủ nhận.

Ý tưởng đó đã không còn thịnh hành, khi nó cho rằng thời kỳ này tăm tối là vì người ta không còn giữ được nhân tính”, giáo sư Ward-Perkin nhận định. Nhưng ông cũng vừa cười vừa nói thêm, “đa số chúng ta đã thừa nhận rằng con người lúc nào cũng kinh khủng như vậy đó”.

Cập nhật: 30/10/2024 Theo Pháp luật & bạn đọc
  • 2.831