Thôi miên - từ thuật phù thủy đến liệu pháp khoa học

  •  
  • 3.154

Nhà phân tâm học Freud (Đức) Freud đã sử dụng thôi miên để giải thoát ức chế tình dục của bệnh nhân hysteria. Tuy nhiên, sau đó ông từ bỏ liệu pháp này vì dễ dẫn đến quan hệ tình dục giữa thày thuốc với bệnh nhân - một điều cấm kỵ. 

Freud đã từng thốt lên rằng thôi miên có thể giải thích được tất cả thế giới bên trong con người. Nhưng với bản thân hiện tượng thôi miên, chúng ta vẫn chưa giải thích được dù thuật này xuất hiện từ cổ đại.

(Ảnh: tripod.com)
Từ xưa, các thày tu Ai Cập và Do Thái đã dùng một biện pháp kỳ lạ để dẫn dụ người dân trong những buổi cầu nguyện cũng như chữa bệnh. Họ sử dụng một kỹ thuật ám thị người nghe bằng lời cầu xin thần linh phù trợ và các câu phù chú, ẩn dụ.

Thế kỷ 15, một tu sĩ ở Roma đã tìm cách lý giải hiện tượng này mà không dùng lý luận mang màu sắc thần giáo. Ông ta đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng: Để một con gà mái nằm ngửa trên tấm gỗ và luôn nhìn vào mắt của con gà. Một lúc sau, con gà nằm yên, giống như đang ngủ và muốn đánh thức nó thì phải tác động nhẹ lên người con vật.

Các thực nghiệm tương tự còn được làm với nhiều loài động vật như bò sát, cá, ếch, côn trùng... Khi những con vật thí nghiệm được đặt vào một tư thế khác thường, nó rơi vào trạng thái tĩnh, giả vờ chết, hay còn gọi là hiện tượng bị thôi miên.

Trong tự nhiên, nhiều khi động vật cũng tự rơi vào trạng thái đó khi chúng cảm thấy nguy hiểm, ví dụ như chuột giả chết khi bị mèo bắt.

Người ta cho rằng, con người khi đứng trước một nguy cơ bất ngờ và dễ sợ hãi thường có biểu hiện đứng nguyên tư thế giống ở động vật, kèm theo cứng cơ, run người, lồi mắt... Đó có thể coi là một nghiên cứu đầu tiên về thôi miên dưới góc độ khoa học.

Truyền dẫn bằng sợi dây... tình cảm

Một bước ngoặt đã xảy ra vào thế kỷ 18 khi nhà khoa học Pháp F.Anton Mesmer đưa ra thuyết từ khí. Trong thí nghiệm của mình, ông đặt những cục nam châm lên người bệnh và phát hiện cơ thể của họ xuất hiện những đột biến làm biến mất các triệu chứng bệnh.

Từ đó, ông kết luận, có một loại vật chất nào đó bao bọc mọi vật tồn tại, tạo nên một môi trường bao bọc và tác động lẫn nhau. Sự phân phối từ khí không tốt sẽ dẫn đến bệnh tật; việc điều hòa từ khí sẽ sinh ra những đột biến và đem lại sức khỏe. Vì thế, ông đã dùng nam châm để tái tạo lại sự cân bằng từ tính.

Nhưng có một mâu thuẫn mà ông không lý giải được, đó là dù không có nam châm, hiệu quả chữa bệnh vẫn như cũ. Hóa ra, hiệu quả chữa bệnh không liên quan đến từ tính thông thường; và ông đã đưa ra một khái niệm mới: từ lực do sinh vật tạo ra, gọi là từ khí động vật.

Mesmer đã tổ chức những buổi chữa bệnh tập thể. Bệnh nhân được ngồi xung quanh một cái nồi lớn chứa nước, mảnh thủy tinh, sỏi đá, mạt sắt... Mesmer và dùng các dây sắt nối họ với “cái nồi từ tính”, cầm một que đũa nam châm khua lên và đi vòng quanh họ, gây nên những cơn co giật. Hiện tượng này thậm chí tiếp diễn cả khi bệnh nhân đã được tách riêng về buồng bệnh.

 
Ông đưa ra một kết luận làm bàng hoàng giới khoa học, đó là từ khí động vật không phụ thuộc nhiều lắm vào tính chất của vật dẫn truyền, mà trước tiên là do sợi dây... tình cảm. Chỉ có tình cảm mới giải thích được điều này một cách dễ dàng nhất, bằng chứng là những bệnh nhân quen thuộc của ông cảm nhận hiệu quả hơn.

Lý thuyết về từ khí động vật của Mesmer đã gây những cuộc tranh cãi sôi nổi khiến vua Louis 16 phải thành lập hai hội đồng khoa học để tìm hiểu về chuyện này. Cuối cùng thì các nhà khoa học đã kết luận rằng chẳng có từ khí động vật nào hết, mà đó là “sự tưởng tượng” của bệnh nhân. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận sự tác động tâm lý giữa người này và người khác là có thật và còn mô tả cảnh phụ nữ bị rối loạn khi được đàn ông truyền từ khí, cảnh báo việc đó có thể làm tổn hại đến đức hạnh của họ.

Dựa vào lý thuyết trên, người ta đã khám phá ra bí ẩn của “giấc ngủ thôi miên” (người bị thôi miên rơi vào trạng thái nửa thức, nửa ngủ, không co giật, trở nên dễ bảo và phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người thôi miên nhưng khi tỉnh dậy thì không nhớ gì hết). Các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên xây dựng tình cảm thân mật giữa bệnh nhân và thày thuốc, cần coi bệnh nhân như "một phần của mình” thì việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do chưa rõ cần "thân mật” đến đâu nên nhiều trường hợp đã phát sinh quan hệ tình ái làm dư luận lên án.

Thôi miên - tiền thân của phân tâm học

Vào cuối thế kỷ 19, thuật thôi miên lại làm dư luận lên cơn sốt vì hiệu quả của nó trong điều trị bệnh rối loạn tâm thần như hysteria, libido (những chứng bệnh vào thời kỳ đó được cho là “ma làm”). Freud đã nghiên cứu kỹ về bệnh hysteria và sử dụng thôi miên để giải thoát ức chế tình dục của bệnh nhân. Phương pháp ám thị thôi miên của ông có mục đích “thải loại” nhằm giải phóng những tác nhân gây bệnh, giúp bệnh nhân gợi và có thể sống lại những hoàn cảnh bị tổn thương, sau đó xóa đi tác động này.

Trong những nghiên cứu sau đó, Freud nhận thấy thôi miên không thể áp dụng chung; thành công chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Mặt khác, mối quan hệ hình thành trong quá trình thôi miên dễ dẫn đến quan hệ tình dục, một điều cấm kỵ trong quan hệ thày thuốc-bệnh nhân. Một lần sau khi Freud chữa cho một bệnh nhân nữ, khi tỉnh giấc ngủ thôi miên, cô ta đã ôm chầm lấy ông làm ông vô cùng bối rối và “khó khăn lắm mới cưỡng lại được”. Vì thế mà Freud quyết định từ bỏ thôi miên và khai phá một chân trời mới như sự “hiện diện đằng sau sự huyền bí của thôi miên”. Đó là phân tâm học với những bí mật về vùng tối của cảm xúc.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 3.154