Thụ tinh trong ống nghiệm cho bò sữa

  •  
  • 1.108

Tạo phôi bò bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm” - một chủ đề khoa học lý thú, nóng hổi và có sức hấp dẫn mạnh đã lôi cuốn nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Phan Kim Ngọc - khoa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - đeo đuổi gần bốn năm qua, nay đã gặt hái được những kết quả bước đầu.

Kết quả nghiên cứu nói trên hứa hẹn sẽ đáp ứng yêu cầu thực tế tại Việt Nam: có thể nhân nhanh giống bò sữa chất lượng cao. Ông Ngọc nói thêm: để có giống bò sữa phục vụ ngành chăn nuôi loài gia súc này, nhiều nơi ở nước ta đã nhập ngoại phôi bò sữa để cấy truyền cho bò địa phương. Giải pháp kỹ thuật này tuy tạo được bò sữa chất lượng cao nhưng chi phí đắt đỏ (theo một số nguồn thông tin trên mạng, giá phôi bò sữa chào bán khoảng 300-500 USD/phôi). Đó là chưa kể những con bò sữa được tạo ra bằng con đường này kém thích nghi với điều kiện thời tiết nước ta. Con đường nhân giống này nếu triển khai đại trà sẽ gặp không ít khó khăn và rắc rối.

Trong khi đó, một giải pháp kỹ thuật khác cũng từng được phổ biến ở nhiều vùng của nước ta: thụ tinh nhân tạo từ nguồn tinh trùng bò sữa nhập ngoại. Nhưng trắc trở lại nằm ở đặc điểm sinh học của bò: một năm chúng chỉ động đực một lần nên việc thụ tinh mất khá nhiều thời gian; phải sau 2-3 thế hệ mới có thể tạo ra được bò sữa mang những đặc điểm mong muốn.

Nhóm nghiên cứu thảo luận và đánh giá, phân loại trứng bò sữa bằng kính hiển vi đảo ngược.

Nhóm nghiên cứu thảo luận và đánh giá, phân loại trứng bò sữa bằng kính hiển vi đảo ngược (Ảnh: ND)

Thông thường bò sữa tạo ra theo kiểu này thì thế hệ F2 mới mang những đặc tính di truyền mong muốn, nhưng phải mất 2-3 năm mới có được một con bò sữa. Một trong những điều băn khoăn nhất là không thể kiểm soát được giới tính của bê con, trong khi nuôi bò lấy sữa thì ưu tiên lựa chọn hàng đầu chính là “phái yếu”. Nông dân thường e ngại việc lựa chọn thụ tinh bò sữa vì sợ làm theo cách này sẽ “ôm” nhiều bê đực, giá trị kinh tế không cao bằng bò thịt.

Những trở ngại nói trên đã được đúc kết từ thực tiễn phát triển đàn bò sữa Việt Nam trong nhiều năm nay. Và nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Phan Kim Ngọc đã nảy ra hướng đi mới: tạo phôi bò bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm với nguồn nguyên liệu là trứng bò sữa nhập ngoại và tinh trùng của bò đực giống địa phương hướng lấy sữa.

Nhóm nghiên cứu cho biết đã lựa chọn những tế bào trứng từ những bò cái tốt, có thể mua trứng thay vì mua phôi như trước. Hoặc thu trứng từ những bò sữa tốt mà Việt Nam đã nhập (dạng thuần chủng) và thụ tinh với nguồn tinh trùng của bò đực thuần Việt Nam để tạo ra một dòng phôi mới. Trong hàng loạt phôi mới này hi vọng sẽ có những phôi tập hợp được những đặc tính nổi trội, có lợi và tốt nhất theo mong muốn mà sau này bò sữa được tạo ra từ những dòng phôi này thích nghi tốt nhất với điều kiện sống, môi trường tại Việt Nam.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, sau khi lựa chọn được những dòng phôi ưng ý sẽ mang cấy hàng loạt vào bò cái mang thai để sinh sản ra nhiều cá thể bò khác nhau. Từ đàn cá thể bò này sẽ chọn ra những con bố mẹ khỏe nhất, phù hợp nhất... để làm giống. Từ đây sẽ lấy tế bào của những con bò được chọn (hay còn gọi là bò đầu dòng) để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và sẽ cho ra những con bò có đặc tính mong muốn. Và đến giai đoạn này có thể đưa ra nhân giống hàng loạt.

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc cho biết hiện nhóm nghiên cứu này đã tạo được dòng phôi từ tinh trùng của bò đực thuần Việt Nam và tế bào trứng của bò sữa thuần ngoại nhập. Tổng cộng số lượng phôi tạo được là 45, hiện đang được trữ đông ở nhiệt độ âm 196oC ở môi trường nitơ lỏng. Theo nhóm nghiên cứu, sẽ cấy số lượng phôi này vào những bò cái mang thai nhằm tìm kiếm những con bò sữa mang đặc tính như nhiều người đang kỳ vọng: có thể cho nhiều sữa, thích nghi cao, khả năng chịu đựng với môi trường tự nhiên tốt... 

Theo Tuổi trẻ, Nhân dân
  • 1.108