Thuốc ngừa thai hàng tháng cho nam giới?

  •  
  • 3.533

Thuốc tiêm Testosterone có khả năng loại trừ bao cao su ra khỏi việc kế hoạch hoá gia đình.

Hiện nay, nói đến việc ngừa thai, phụ nữ có biết bao nhiêu phương tiện hữu hiệu: từ tính chu kỳ kinh nguyệt, mũ âm đạo, vòng tránh thai và nhiều loại thuốc viên tùy ý lựa chọn. Trong khi đó, nam giới chỉ có bao cao su, vài loại thuốc viên và cách thắt ống dẫn tinh. Một số phương pháp khác cũng được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đấy, nhưng để áp dụng cho thỏ thì thích hợp hơn là cho người. Nhưng rốt cuộc, y học cũng trút được một gánh nặng, trả được món nợ lâu năm đối với nam giới trong việc này.

Trên tờ Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism (Tạp chí về Nội tiết học lâm sàng và Chuyển hoá), các nhà khoa học vừa công bố một phương pháp mới đã được thử nghiệm trên quy mô lớn và dường như nó đã tiến gần nhất tới việc áp dụng đại trà về thuốc ngừa thai cho nam giới với hoạt chất dựa trên testosterone (kích thích tố sinh dục nam). Rất đơn giản: Chỉ mỗi tháng một mũi tiêm!

Việc nghiên cứu được tiến hành trên chừng 1.000 người đàn ông khoẻ mạnh và đối tác nữ của họ. Lúc đầu, họ tiêm loại thuốc một mũi để dùng trong vài tháng tới khi số tinh trùng đếm được giảm tới mức dưới khả năng thụ thai. Sau đó, các cặp quan hệ với nhau thoải mái, chẳng dùng phương tiện tránh thai nào trong 2 năm. Cuối năm thứ hai, có 9 người “dính bầu”, vậy là thất bại chiếm 1,1 trong 100 cặp một năm, ngang với việc sử dụng tốt nhất bao cao su và thuốc tránh thai dạng viên hiện có.

Cảnh báo: Tiêm thuốc ngừa thai testosterone cho nam giới không ngăn cản được các bệnh lây lan qua đường tình dục. Chúng cũng có khuynh hướng tăng sự ham muốn này. Những mũi tiêm đầu tiên không hạ thấp số tinh trùng đến mức không thụ thai được đối với 5% số nam giới tham gia thử nghiệm việc ngừa thai. Số tinh trùng của 2 người đến cuối giai đoạn thử nghiệm vẫn không nhiều được như xưa và vào khoảng 1/3 các chàng trai bị loại ra trước khi đợt thử nghiệm kết thúc vì nhiều lý do: họ phải đi nghĩa vụ quân sự, tự ý bỏ cuộc (không tiêm nữa) và một số nhỏ có phản ứng phụ (da nổi mụn, dị ứng).

Theo VietNamNet (Popsci.com)
  • 3.533