Tìm hiểu về loại bọ cánh cứng phá hoại mùa màng ở Việt Nam

Cách diệt bọ cánh cứng đơn giản và hiệu quả
  •  
  • 616

Bọ cánh cứng "hoành hành" ở Việt Nam là loại gì? Cách phòng chống ra sao?

Bọ cánh cứng là loài côn trùng đã xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục năm, và có thời điểm là "cơn ác mộng" với người nông dân vì mật độ sinh sôi dày đặc của chúng.  

Bọ ăn lá xoài (Chafer beetles).
Bọ ăn lá xoài (Chafer beetles).

Loài côn trùng này hoành hành khiến cây trồng xơ xác, trụi lá, thậm chí ở một số cây chỉ còn lại trái non treo lủng lẳng.

Từ đó, khiến cây mất khả năng quang hợp, dẫn tới bị suy kiệt, sản lượng giảm, thậm chí chết mà không có cách nào để ngăn chặn. 

Chưa dừng lại ở đó, bọ cánh cứng còn làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân. Bọ cánh cứng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, chỉ cần thấy ánh sáng là chúng ùa vào gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Một số tỉnh thành đang chứng kiến sự xuất hiện của bọ cánh cứng như tại Bình Phước, Tây Ninh,…

Ấu trùng của bọ ăn lá.
Ấu trùng của bọ ăn lá.

Trên thế giới có khoảng 200 loại bọ cánh cứng, bọ cánh cứng ăn lá ít được mô tả ở các tài liệu trong nước. Nhiều khả năng, loài bọ này thuộc loại bọ ăn lá xoài (Chafer beetles). 

Theo các tài liệu nước ngoài, loài bọ này có tên khoa học là "Apogonia", thuộc họ Scarabaeidae, bộ cánh cứng (Coleoptera). Gây hại chủ yếu trên cây cọ dầu, ca cao, dừa, cà phê… 

Về sinh sản, trứng bọ ăn lá được đẻ thành từng khối, gần gốc, gồm nhiều trứng, mỗi trứng được bọc trong lớp đất cứng. Trứng dài 1,0 - 1,3 mm, màu trắng, về sau phồng to, tròn. 

Giai đoạn ấu trùng dài khoảng 72 ngày. Tiền nhộng: 2 - 3 ngày. Nhộng: 7 - 10 ngày. Vòng đời khoảng 3 tháng. Thành trùng thời gian đầu có màu nâu, sau chuyển sang đen. Ở Đông Nam Bộ, bọ thường bộc phát và gây hại vào đầu mùa mưa (Tháng 4 - 5).

Thành trùng chủ yếu ăn lá, cành non của cây mọc hoang lẫn cây trồng về đêm. Ban ngày, chúng sống ẩn mình dưới lớp đất mặt.

Vòng đời của đa số các loài bọ ăn lá.
Vòng đời của đa số các loài bọ ăn lá.

Điều thú vị là loài bọ này xuất hiện không thường xuyên, ở Đông Nam Bộ thường xảy ra vào tháng 3, 4, nhưng đôi khi chúng gây hại nghiêm trọng ở các vườn mới khai hoang, gần tán rừng ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Theo kinh nghiệm dân gian, có 3 phương pháp để phòng tránh bọ cánh cứng ăn lá. Trong đó, phổ biến nhất là biện pháp thủ công, có thể dùng bẫy đèn đồng loạt tại các khu vực xuất hiện nhiều bọ cánh cứng gây hại. 

Bên cạnh đó, một phương pháp hữu hiệu không kém là sử dụng thuốc trừ sâu có hoạt chất Permethrin, profennophos để xịt vào lúc chiều tối.

Cuối cùng là biện pháp sinh học, đó là dùng bacillus thuringiensiss (Tricho-BT), Metarhizium anisopliae (nấm xanh) để xịt lên cây và vào đất để diệt trứng và con non trước khi thành trùng.

Tuy nhiên, biện pháp an toàn nhất, ít tốn kém nhất đối với những khu vườn có diện tích không quá rộng, là sử dụng bẫy đèn, bên dưới đặt chậu nước có lớp váng dầu hỏa hoặc dầu nhớt, bọ cánh cứng lao vào đèn rơi xuống chậu nước, váng dầu sẽ bít kín lỗ thở ở 2 bên bụng bọ cánh cứng gây chết nhanh.

Cập nhật: 14/05/2021 Theo Dân Trí
  • 616