Các nhà khảo cổ học tại tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc ngày 2/12 cho biết họ đã khai quật hơn 80 chiếc hộp sọ trong đống đổ nát Shimao ở thành phố đồ đá lớn nhất Trung Quốc.
Phó Viện trưởng Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây, ông Sun Zhouyong cho biết những hộp sọ được tìm thấy thành từng nhóm, còn phần xương chi thì không được tìm thấy trong khu vực.
Hai nhóm hộp sọ đầu tiên được tìm thấy ở hai hố, trong đó mỗi hố chứa 24 hộp sọ, ở trước cửa ngõ phía Đông của thành phố đổ nát, trong khi số hộp sọ khác được khai quật lên dọc tường thành phía Đông.
Ảnh minh họa: chinanews.com
Các nhà khảo cổ suy luận rằng những hộp sọ trên có khả năng liên quan đến việc xây dựng các bức tường thành. Họ cho rằng người xưa đã tổ chức các hoạt động tôn giáo hoặc các nghi lễ sáng lập trước khi xây dựng các thành phố đồ đá mới.
Nhóm các nhà nhân chủng học xác định hầu hết các hộp sọ trên là của phụ nữ trẻ. Điều này gợi mở về sự bùng nổ bạo lực quần chúng và hoặc xung đột sắc tộc trong khu vực này, vì người cổ đại có xu hướng dùng kẻ thù của họ hoặc những người bị giam cầm để hiến tế thần linh.
Số hộp sọ trên sẽ là các tài liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu về tư duy tôn giáo và hoạt động văn hóa của người dân sống dọc lưu vực sông Hoàng Hà cách đây hơn 4.000 năm.
Khu đổ nát Shimao được phát hiện hồi năm 1976 trong hình dáng một thị trấn nhỏ.
Nhóm khảo cổ cho biết thành phố được xây dựng khoảng 4.300 năm trước và bị bỏ khoảng 300 năm sau triều đại nhà Hạ (2100-1600 trước Công nguyên), triều đại đầu tiên ở Trung Quốc được mô tả trong biên niên sử cổ đại