Tìm thấy "ảnh phản chiếu" của Hệ Mặt trời

  •  
  • 966

Một hệ thống ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao chủ vừa được tìm thấy có nhiều điểm tương đồng Trái đất và Mặt Trời.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hệ Mặt trời Max Planck (Đức) vừa phát hiện KOI-456.04, một ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao lùn đỏ tên Kepler-160.

Cách chúng ta khoảng 3.000 năm ánh sáng, dữ liệu cho thấy chúng có nhiều điểm tương tự Trái đất và Mặt Trời. Nói cách khác, nó giống như "ảnh phản chiếu qua gương" của Hệ Mặt trời.

Kết quả nghiên cứu được đăng tải ngày 4/6 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Hệ thống ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao chủ vừa được phát hiện có khá nhiều điểm tương đồng Hệ Mặt trời.
Hệ thống ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao chủ vừa được phát hiện có khá nhiều điểm tương đồng Hệ Mặt trời. (Ảnh: National Geographic).

Ngoại hành tinh là hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời. Theo CNET, Viện Max Planck mô tả KOI-456.04 là ngoại hành tinh "không chỉ có khả năng sống", ánh sáng từ ngôi sao chủ của nó rất giống ánh sáng từ Mặt Trời chiếu vào Trái đất.

Không chỉ vậy, quỹ đạo của KOI-456.04 cũng gần giống hành tinh mà chúng ta đang sống, với kích thước lớn gần gấp đôi Trái đất.

Đa số ngoại hành tinh giống Trái đất (về kích thước) từng được tìm thấy đều quay quanh các ngôi sao lùn đỏ, tuy nhiên ánh sáng từ chúng khiến các hành tinh gần như không thể sống được.

So sánh ngoại hành tinh KOI-456.01 và ngôi sao chủ Kepler-160 với Trái đất và Mặt trời.
So sánh ngoại hành tinh KOI-456.01 và ngôi sao chủ Kepler-160 với Trái đất và Mặt trời. (Ảnh: René Heller/MPS).

Trong khi đó, ngôi sao chủ Kepler-160 lại chiếu ra ánh sáng trong quang phổ (có thể thấy được) chứ không phải tia hồng ngoại. Ngoài ra, nó cũng khá giống Mặt Trời về kích thước lẫn nhiệt độ bề mặt.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy 2 ngoại hành tinh quay quanh Kepler-160 nhưng khả năng sống rất thấp. Họ cho rằng có 4 hành tinh quay quanh hệ thống Kepler-160, trong đó KOI-456.04 nằm trong vùng sống được bởi nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của nó.

René Heller, nhà nghiên cứu của Viện Max Planck nói rằng KOI-456.01 có kích thước tương đối lớn so với các ngoại hành tinh giống Trái đất từng được tìm thấy, tuy nhiên điều đặc biệt chính là sự kết hợp của nó với một ngôi sao chủ khá giống Mặt Trời.

Tất nhiên, cần nhiều yếu tố để xác định một hành tinh có thể sống được hay không. Đối với ngôi sao chủ, nó còn phụ thuộc vào bầu khí quyển chứ không chỉ nhiệt độ bề mặt hay ánh sáng.

Theo Futurism, cũng chưa chắc KOI-456.01 là một hành tinh bởi hệ thống xác định có thể bị lỗi, dù vậy nhóm nghiên cứu tin tưởng khả năng đây là một hành tinh lên đến 85%.

Các nhà khoa học hy vọng những kính viễn vọng không gian trong tương lai như Plato của Cơ quan Vũ trụ châu Âu có thể xác định ngoại hành tinh này.

Cập nhật: 08/06/2020 Theo Zing
  • 966