Tìm thấy bữa ăn lâu đời nhất thế giới

  •  
  • 180

Các nhà nghiên cứu đã phân tích Kimberella, một sinh vật giống sên, có chứa các hợp chất cho thấy chúng ăn vi khuẩn, tảo dưới đại dương và có bộ ruột phát triển.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện thói quen ăn uống của các loài động vật cổ xưa trên Trái đất, trong hóa thạch cách đây hơn 550 triệu năm, theo Guardian.

Họ đã phân tích hóa thạch cổ đại của quần xã sinh vật Ediacaran - là các dạng sống phức tạp tồn tại từ 538,8-635 triệu năm trước. Chúng là bằng chứng sớm nhất cho loại thức ăn của động vật cổ xưa.

 Hóa thạch của sinh vật Kimberella.
Hóa thạch của sinh vật Kimberella. (Ảnh: Ghedoghedo/CC BY-SA).

Hóa thạch của một sinh vật giống sên được gọi là Kimberella chứa các hợp chất cho thấy nó ăn tảo và vi khuẩn từ đáy đại dương. Đó không hẳn là một bữa ăn "thịnh soạn", mà là dấu hiệu cho thấy chúng có miệng và ruột, đồng thời có cơ chế tiêu hóa thức ăn giống một số động vật không xương sống ngày nay.

Giáo sư Jochen Brocks, thuộc Đại học Quốc gia Australia, đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng hóa thạch từ kỷ Ediacaran là “rất quan trọng trong quá trình tiến hóa vì nó chứng minh được việc lần đầu tiên sự sống phát triển mạnh mẽ. Chúng là những hóa thạch lớn lâu đời nhất mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường".

Các nhà nghiên cứu cho rằng Kimberella, một sinh vật đối xứng, có thể di chuyển và là động vật tiến hóa vào thời đó.

“Sở hữu bộ ruột là rất hiện đại. Bọt biển, san hô và sứa không có đường ruột bình thường ở khắp cơ thể như vậy", ông Brocks nói, khi so sánh nó với các động vật nguyên thủy hơn.

“Chúng tôi có thể thấy rằng ruột của Kimberella có thể tích cực hấp thụ phân tử chất béo cholesterol và loại bỏ các phân tử khác mà nó không muốn hấp thụ".

Phân tích hóa thạch của một loại động vật khác có tên là Dickinsonia, nhóm nghiên cứu nhận thấy sinh vật thứ hai này kém tiến hóa hơn vì chúng không có miệng hoặc ruột.

Các hóa thạch này được thu thập vào năm 2018, tại các vách đá gần Biển Trắng, phía tây bắc nước Nga bởi Tiến sĩ Ilya Bobrovskiy của GFZ-Potsdam, trưởng nhóm nghiên cứu.

Trước đây, giới khoa học đã xác định Dickinsonia là hóa thạch động vật lâu đời nhất, có niên đại khoảng 550 triệu năm trước.

Năm 2021, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã nêu quan điểm rằng các mô hình giống như lưới trong các mẫu đá từ 890 triệu năm trước giống với mạng lưới của bọt biển hiện đại. Điều này giúp xác định niên đại của các dạng sống của động vật sớm nhất vào khoảng 300 triệu năm trước. Tuy nhiên những bằng chứng này đã gây nhiều tranh cãi.

Ông Brocks cho biết nghiên cứu mới cho thấy quần thể sinh vật Ediacaran “đã chứa một số sinh vật gây ra vụ nổ Cambrian, và dẫn đến sự trỗi dậy của động vật hiện đại”. Vụ nổ tiến hóa kỷ Cambri, còn được gọi là vụ nổ sinh học, xảy ra cách đây khoảng 538,8 triệu năm.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Current Biology.

Cập nhật: 24/11/2022 Zing
  • 180