Hóa thạch của một loài nho chưa từng được biết tới ở Panama có thể là ví dụ lâu đời nhất về cây leo thân gỗ trên thế giới.
Theo báo cáo trên tạp chí Plos One, loài nho mới - Ampelorhiza heteroxylon - thuộc về một nhóm dây leo nhiệt đới đa dạng có tên khoa học là Paullinieae trong họ Bồ hòn. Hiện nay, có tới hơn 475 loài Paullinieae đã được mô tả, phân bố chủ yếu tại các vùng nhiệt đới trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu có được phát hiện này sau khi phân tích một mẫu vật rễ cây hóa thạch 18,5 triệu năm tuổi ở Panama, nơi có cảnh quan núi lửa bao quanh bởi những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp.
"Đây là bằng chứng cho thấy cây dây leo đã tạo ra gỗ khác thường, ngay cả ở phần rễ, từ cách đây ít nhất 18 triệu năm. Trước đây, chúng ta hầu như không biết gì về thời gian và địa điểm phát triển của những cây leo thân gỗ lâu đời nhất, cũng như sự đa dạng hóa nhanh chóng của chúng", tác giả đầu tiên của nghiên cứu Nathan Jud, trợ lý giáo sư sinh học thực vật tại Đại học William Jewell College của Mỹ, nhấn mạnh.
Mặt cắt phần rễ hóa thạch của Ampelorhiza heteroxylon. (Ảnh: Nathan Jud).
Trong nghiên cứu, Jud cùng các cộng sự đã tạo ra các lát cắt mỏng của hóa thạch, kiểm tra sự sắp xếp và kích thước của các mô, mạch dẫn nước dưới kính hiển vi và tạo ra một cơ sở dữ liệu về tất cả các đặc điểm. Sau đó, họ nghiên cứu tài liệu để xem những đặc điểm này khớp với các hồ sơ hóa thạch và thực vật sống như thế nào.
Mặt cắt đã tiết lộ những đặc điểm độc nhất vô nhị ở cây leo thân gỗ. Trong khi hầu hết cây thân gỗ và cây bụi có các mô dẫn nước (vận chuyển nước và chất khoáng từ rễ lên lá) gần giống nhau về kích cỡ khi nhìn ở mặt cắt ngang, ở loài dây leo, những ống dẫn này có hai loại lớn và nhỏ khác biệt rõ ràng. Đây chính xác là những gì các nhà nghiên cứu nhận thấy trong hóa thạch.
Các mô dẫn nước có hai kích cỡ cho thấy thực vật có khả năng xoắn và uốn cong. Nguyên nhân là do các ống dẫn lớn, cung cấp lượng nước chính, dễ bị sụp đổ trong quá trình cây leo phát triển. Các ống dẫn nhỏ khi đó đóng vai trò như một hệ thống vận chuyển dự phòng. Ngoài ra, mặt cắt ngang của cân thân gỗ và cây bụi cũng có dạng tròn hơn so với cây dây leo.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn tiếp tục điều tra về lịch sử tiến hóa và sự đa dạng của các loài dây leo trong họ Bồ hòn. Họ cũng muốn biết chúng đã phát triển phần gỗ trong thân như thế nào, bao gồm việc xác định các gene góp phần tạo nên hình dạng của thân cây.