Tìm thấy thư tình đồng tính của thi sĩ Hy Lạp cổ đại

  •  
  • 1.697

Các nhà nghiên cứu vừa khảo cổ một trong những bức thư cổ xưa còn nguyên vẹn của nữ thi sĩ đầu tiên đề cập tới tình yêu đồng tính.

Mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một mảnh giấy cói cổ, mang bút tích hai trong số rất nhiều bài thơ của nhà thơ Sappho nổi tiếng của Hy Lạp, có niên đại từ thế kỉ VII TCN.

Phát hiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi trải qua thời gian, chúng ta còn giữ được rất ít các bài thơ in trên giấy cói của nữ tác giả này. Trong số đó, chỉ có duy nhất một bài thơ được bảo tồn nguyên vẹn.

Tìm thấy thư tình đồng tính của thi sĩ Hy Lạp cổ đại
Tranh chân dung nữ sĩ Sappho

Nữ sĩ Sappho là người đóng góp to lớn vào nền thi ca cổ đại Hy Lạp. Vào thời gian đó, âm hưởng truyền thống của giọng thơ Hy Lạp là dựa trên quan điểm của chúa trời. Tuy nhiên, đi ngược lại với trào lưu này, Sappho đã thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc mang đậm dấu ấn cá nhân của mình, đặc biệt về chủ đề tình yêu và sự đau khổ mất mát.

Bà cũng là một trong những nhà thơ đầu tiên đề cập tới tình yêu đồng tính nữ. Nhiều từ vựng như “lesbian”, “sapphic” mà chúng ta sử dụng ngày nay bắt nguồn từ các bài thơ của Sappho.

Tìm thấy thư tình đồng tính của thi sĩ Hy Lạp cổ đại
Các bài thơ của bà thường nhắc tới chủ đề tình yêu, đặc biệt là tình yêu đồng giới nữ

Một trong hai bài thơ được tìm thấy có nội dung về hai người đàn ông mang tên Charaxos và Larichos - tên cổ mà người Hy Lạp thường dùng để chỉ các anh trai của Sappho. Tuy nhiên, đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy, họ xuất hiện trong các tác phẩm của em gái mình. Nội dung tác phẩm này xoay quanh cuộc trò chuyện về chuyến đi biển thành công của Charaxos và được viết ở ngôi thứ nhất.

Bài thơ còn lại được viết với nội dung gửi tới Nữ thần tình yêu Aphrodite. Đường vạch đỏ ngang được dùng để ngăn cách giữa hai bài thơ.

Tìm thấy thư tình đồng tính của thi sĩ Hy Lạp cổ đại

Nữ sĩ Sappho đã sáng tác tổng cộng 9 tập thơ. Trong các tác phẩm của mình, bà thường dùng tiếng Aeolic, một thổ ngữ của Hy Lạp, thay vì tiếng Attic - phổ biến ở Athen. Thêm vào đó, Sappho cũng sáng tạo cách viết khổ thơ độc đáo, mang dấu ấn của riêng mình và sau này được gọi là khổ thơ Sapphic.

Hai bài thơ mới tìm được đều mang các đặc điểm trên, nên dù không còn nguyên vẹn do mép mảnh giấy cói cổ bị rách, các nhà nghiên cứu vẫn có thể khẳng định đây chính là di bút của Sappho.

Tìm thấy thư tình đồng tính của thi sĩ Hy Lạp cổ đại
Mảnh giấy cói cổ mới được tìm thấy lưu giữ 2 tác phẩm của nữ sĩ Sappho

Theo đó, đây không phải là bút tích trực tiếp của nữ tu sĩ mà là bản thơ được chép lại vào khoảng thế kỉ III. Loại giấy cói được sử dụng vào thời này khá phát triển, nên đây là bản thơ có chất lượng bảo quản tốt nhất tính tới thời điểm này của Sappho.

Dưới đây là bài thơ nguyên vẹn duy nhất lưu giữ được tới ngày nay của nữ sĩ Sappho.

Thánh ca dâng Nữ thần Aphrodite

Hỡi Nữ thần Aphrodite đáng kính,
Hỡi người con cao quý của Thần Zeus,
Hỡi vị thần của vẻ đẹp đắm say lòng người
Xin hãy lắng nghe lời thỉnh cầu của con
Xin Người hãy từ nơi điện đài nguy nga cổ kính, theo cánh bồ câu tới đây, sưởi ấm tâm hồn con
Khi con ngoảnh đầu lại, thấy hình bóng Người nhẹ nhàng như gió, mỉm cười cất tiếng giữa trời xanh:
“ Sappho, sao con quỳ lạy ta? Bóng hồng nào đang làm trái tim con rỉ máu?
Kẻ nhanh đến với con, càng chóng rời xa con
Nhanh yêu mến con, càng chóng thành cánh chim nhạn, biến mất
Bội bạc con, dù thề thốt trọn đời”
Hỡi Nữ thần Aphrodite đáng kính,
Xin hãy cứu rỗi linh hồn con, giải thoát con khỏi những khổ đau lầm lỗi!

Theo PLXH
  • 1.697