Bọ cánh cứng Cerambyx có thể từng sống ở Anh và tuyệt chủng hàng nghìn năm trước do biến đổi khí hậu.
Một nông dân tại East Anglia, Anh, tìm thấy hai con bọ cánh cứng bên trong khúc gỗ mà ông đào lên từ cánh đồng để chẻ làm củi vào những năm 1970. Ông đã tặng chúng lại cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London để nghiên cứu. Các chuyên gia tiến hành định tuổi bằng đồng vị carbon với các mẫu vật và kết luận chúng có niên đại 3.785 năm, Guardian hôm 28/1 đưa tin.
Xác đôi bọ cánh cứng Cerambyx gần 4.000 năm tuổi. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London).
Đây là bọ cánh cứng Cerambyx, từng được cho là không tồn tại ở Anh. Phát hiện mới chứng tỏ chúng có thể là sinh vật bản địa của nước này và đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trước.
"Những con bọ này xuất hiện trước thời kỳ Tudor, trước khi người La Mã xâm chiếm Anh, thậm chí trước cả đế chế La Mã. Chúng sống và ngấu nghiến phần bên trong của khúc gỗ khi các pharaoh vẫn đang xây kim tự tháp ở Ai Cập. Đây là một phát hiện cực kỳ thú vị", Max Barclay, người phụ trách bộ sưu tập Bọ cánh cứng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết.
Hai con bọ cánh cứng và mảnh gỗ cổ xưa được bảo quản tại bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London).
Barclay cho rằng bọ Cerambyx, ngày nay sống ở miền nam và miền trung châu Âu, có thể đã tuyệt chủng tại Anh do biến đổi khí hậu. "Bọ Cerambyx phù hợp với nơi khí hậu tương đối ấm áp. Có thể chúng sống ở Anh 4.000 năm trước vì khí hậu thời đó ấm hơn. Khi trời lạnh đi và môi trường sống bị phá hủy, chúng đã tuyệt chủng. Ngày nay, do sự ấm lên toàn cầu, chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu cho thấy chúng có thể sẽ trở lại Anh trong tương lai", ông nhận định.
"Thật kỳ diệu khi cầm trong tay một thứ trông như mới nhặt ngày hôm qua nhưng thực chất đã vài nghìn năm tuổi và có thể cung cấp manh mối về thời tiết và môi trường rừng cuối thời Đồ Đồng. Đôi bọ này mở ra cánh cửa sổ mới để quan sát quá khứ xa xưa cũng như hé lộ thông tin về quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai", ông bổ sung.