Top 4 kiểu tránh thai không hiệu quả nhưng nhiều người vẫn làm

  •   4,52
  • 411

Tránh thai thế nào cho hiệu quả nhưng vẫn an toàn với sức khỏe là vấn đề được nhiều người quan tâm, không chỉ riêng các cặp đôi.

Bác sĩ sản phụ khoa Zhang Yuqin thuộc Bệnh viện Cathay Hsinchu (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, việc tránh thai hiệu quả và an toàn với sức khỏe quan trọng với cả những người muốn có con và chưa/không muốn có con. Bởi ngay cả khi bạn đang mong chờ trở thành cha mẹ, cũng cần biết điều gì có thể cản trở mình, hành vi nào gây hại cho sức khỏe sinh sản hay quá trình thụ thai.

“Ngoài những biện pháp tránh thai phổ biến như dùng bao cao su, uống thuốc tránh thai, đặt vòng, thắt ống dẫn tinh… thì ngày càng có nhiều người chia sẻ cho nhau những cách tránh thai mới lạ. Đó có thể là kinh nghiệm của họ hoặc truyền tai nhau, tìm hiểu ở đâu đó, có tính xác thực hoặc không? Khi thực hiện theo, ngoài tính hiệu quả còn tiềm ẩn những rủi ro sức khỏe mà chúng ta không lường trước được” - bác sĩ Zhang nói thêm.

Trong số đó, bà chỉ ra 4 kiểu tránh thai được nhiều người, nhất là các cặp đôi trẻ thực hiện, chia sẻ cho nhau nhưng thực tế lại không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp. Đó là:

1. Tính thời gian an toàn

Ngày an toàn được xem là thời điểm chưa xảy ra hiện tượng rụng trứng hoặc trứng đã thoái hóa hết, khi ấy tinh trùng không thể gặp trứng để thụ tinh nên nếu quan hệ tình dục thì tỷ lệ mang thai rất thấp (dưới 10%). Đây là kiểu tránh thai tự nhiên, an toàn, không tốn kém nhưng hiệu quả lại rất thấp. Chưa kể, nó bị phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe của từng chị em, sự chú tâm trong tính toán ngày tháng.

Bác sĩ Zhang giải thích: Ngay cả khi bạn tính toán kỹ lưỡng để quan hệ vào ngày an toàn thì rủi ro mang thai ở biện pháp này vẫn khá cao. Vì tinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể khoảng 5 ngày và trứng có thể tồn tại trong cơ thể 3 ngày. Đồng thời, con người hiện đại dễ bị rối loạn kinh nguyệt do căng thẳng và lối sống nên vẫn có khả năng cao mang thai ngoài ý muốn ngay cả khi bạn sử dụng ứng dụng di động để tính toán thời gian an toàn”.

Tính ngày an toàn để quan hệ là mẹo tránh thai có hiệu quả thấp, bị tác động bởi nhiều yếu tố.
Tính ngày an toàn để quan hệ là mẹo tránh thai có hiệu quả thấp, bị tác động bởi nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa)

2. "Xuất ra ngoài" sau khi quan hệ

Xuất tinh ngoài được xem là biện pháp tránh thai được nhiều cặp đôi trẻ ưa chuộng. Bởi vì theo họ nó vừa đảm bảo thỏa mãn khi không phải dùng bao cao su mà lại có thể tránh nguy cơ mang thai do không để tinh trùng và trứng gặp nhau bằng cách không để tinh trùng xâm nhập vào cơ thể nữ giới.

Tuy nhiên, trên thực tế thì đây không phải là cách tránh thai hiệu quả, có rủi ro cực kỳ cao. Bác sĩ Zhang cho biết: “Nam giới sẽ tiết ra dịch tuyến tiền liệt trước khi xuất tinh, dịch cơ thể này sẽ chứa một lượng nhỏ tinh trùng và chúng vẫn có thể khiến nữ giới mang thai. Trong khi đó, quá trình giao hợp dịch này sẽ xâm nhập vào cơ thể nữ giới.

Quan trọng hơn, xuất tinh bên ngoài khi quan hệ chỉ hạn chế số lượng tinh trùng gặp trứng chứ không phải toàn bộ. Do vậy mà cho dù xuất tinh bên ngoài thì vẫn có khả năng mang thai cao, nhất là nếu động tác chậm trễ hay không dứt khoát”.

3. Thụt rửa âm đạo sau khi quan hệ

“Nhiều người cho rằng rửa âm đạo bằng nước hoặc các chất lỏng khác sau khi quan hệ giúp tránh thai, trên thực tế nó không có tác dụng tránh thai, thậm chí có thể gây viêm âm đạo” - bác sĩ Zhang cảnh báo.

Bởi vì cấu trúc âm đạo, tử cung nữ giới khiến tinh trùng “dễ vào, khó ra”. Tinh trùng sẽ không thể làm sạch bằng cách thụt rửa hoặc cũng không thể lấy ra hết. Chưa kể, sau khi vừa quan hệ cơ thể nữ giới thường yếu hơn, tiếp xúc ngay với nước không có lợi cho sức khỏe.

Điểm hại nhất là bản thân việc thụt rửa âm đạo cũng đã là hành vi rất xấu với sức khỏe sinh sản nữ giới. Thụt rửa âm đạo bằng vòi sen, dạng xịt hay dung dịch tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tổn thương, ảnh hưởng chức năng sinh sản, tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2016 cũng chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên thụt rửa có liên quan đáng kể đến việc nhiễm virus HPV, ung thư ở tử cung.

4. Đeo 2 bao cao su cùng lúc

Nếu cho rằng đeo 2 bao cao su hoặc nhiều hơn cùng lúc giúp tăng cường gấp đôi hiệu quả tránh thai thì bạn đã lầm. Thay vì an toàn hơn, nó làm mất đi công năng vốn có của bao cao su, không chỉ làm cuộc yêu giảm cực khoái, khó chịu cho nam giới mà còn giảm hiệu quả tránh thai.

“Sử dụng một bao cao su khi quan hệ tình dục là đủ để bảo vệ cho bạn và bạn tình của mình an toàn. Do đó không cần phải đeo 2 bao cao su khi quan hệ bởi lợi bất cập hại. Khi đeo 2 bao cao su thì sự ma sát giữa 2 lớp bao cao su khiến khả năng bị rách bao cao hơn, vô hình trung làm giảm hiệu quả của cả hai bao cao su. Nguyên nhân bởi khi bạn dùng bao cao su, bao giờ cũng có chất bôi trơn bôi ở bên ngoài. Nếu chồng 2 bao cao su thì sẽ không có lớp bôi trơn giữa chúng. Khi 2 lớp bao cao su cọ xát với nhau sẽ có nguy cơ cao bị rách. Nếu rách thì sẽ rách cả hai bao luôn” - bác sĩ Zhang nhấn mạnh.

Cập nhật: 26/02/2024 PNVN
  • 4,52
  • 411