Top 7 kiểu uống cà phê khiến cơ thể “lão hóa không phanh” nhưng người càng trẻ càng thích làm

Thói quen uống cà phê có hại
  •   53
  • 2.058

Nếu uống cà phê sai cách, không chỉ sức khỏe bị ảnh hưởng mà cơ thể bạn cũng sẽ lão hóa rất nhanh.

Bác sĩ Monica Kieu hiện đang sinh sống và làm việc tại California (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ và dinh dưỡng. Bà cho biết: “Uống cà phê hàng ngày là thói quen rất phổ biến, nhưng nó cũng có lợi và hại tùy vào cách bạn sử dụng”.

Khi nói về những lợi ích cà phê mang lại, bà chia sẻ rằng hầu hết mọi người chỉ biết tới tác dụng ngắn hạn của chúng như cung cấp năng lượng, giúp tỉnh táo và tập trung hơn, hỗ trợ giảm béo. Trong khi đó, uống cà phê còn có thể giảm nguy cơ mắc số bệnh như tiểu đường, suy giảm trí nhớ và bệnh Alzheimer, Parkinson, trầm cảm, một số bệnh ung thư. Đồng thời, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất (vitamin nhóm B, mangan, kali…) bảo vệ gan, cải thiện tâm trạng, làm chậm lão hóa...

Tuy nhiên, bác sĩ Monica Kieu nhấn mạnh rằng những lợi ích tuyệt vời bên trên chỉ có thể nhận được khi bạn uống cà phê điều độ và đúng cách. Bà cũng chỉ ra 4 sai lầm khi uống cà phê khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn bình thường, thậm chí “lão hóa không phanh”. Những điều này rất phổ biến ngay trong cuộc sống hàng ngày, nhất là với những người trẻ tuổi.

1. Uống quá nhiều cà phê

Ngày nay, không khó để bắt gặp những người uống quá nhiều cà phê mỗi ngày, thậm chí “nghiện” cà phê xung quanh mỗi chúng ta. Nhất là người trẻ tuổi, bận rộn, căng thẳng trong công việc. “Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, một người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 400 mg caffeine một ngày, tương đương khoảng 4 tách cà phê” - bác sĩ Monica Kieu nói.

Bà nhắc nhở rằng, khi uống quá số lượng cà phê kể trên, không chỉ sức khỏe bị ảnh hưởng xấu mà ngoại hình cũng lão hóa rất nhanh. Trong đó, rõ ràng nhất là làn da và mái tóc. Ngoài cà phê, chúng ta cũng nên kiểm soát lượng caffeine từ các thực phẩm, đồ uống khác để không vượt quá 400 mg mỗi ngày.

2. Uống cà phê thay bữa sáng hoặc thay nước

Cũng chính bởi tác dụng giúp tỉnh táo, cung cấp năng lượng nhanh mà cà phê còn trở thành bữa sáng, thức uống thay nước lọc của rất nhiều người. Theo bác sĩ Monica Kieu, thói quen này rất hại sức khỏe và đẩy nhanh tốc độ lão hóa.

Bác sĩ Monica Kieu nói: “Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp bổ sung năng lượng cho mọi hoạt động cả ngày dài. Thay bữa sáng bằng cà phê khiến bạn bị thiếu chất dinh dưỡng và tăng nguy cơ lão hoá làn da. Hơn nữa, trong cà phê chứa chất caffeine có tác dụng kích thích làm tăng acid dịch vị, khiến nguy cơ bị niêm mạc dạ dày của bạn cao hơn”.

Ngoài ra, bà cũng cảnh báo thói quen dùng cà phê thay nước lọc, được nhiều người trẻ cho rằng tiện lợi kiểu “một công đôi việc”. Bởi không chỉ giải khát, cung cấp đủ chất lỏng mà còn tốt cho sự tập trung, tỉnh táo làm việc hay học tập. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến mất nước, tác động tiêu cực đến làn da, hệ tiêu hóa, sự hấp thụ chất dinh dưỡng và xương khớp. Từ đó gây lão hóa sớm và nhiều vấn đề sức khỏe.

3. Thêm nhiều đường vào cà phê

 Thêm nhiều đường vào cà phê
Thêm đường vào cà phê là thủ phạm làm suy giảm collagen. (Ảnh minh họa).

Theo bác sĩ Monica Kieu, thói quen này làm cốc cà phê ngon miệng hơn, cũng có thể tránh khó chịu khi uống vào lúc đói nhưng lại là “thảm họa với sức khỏe”.

Việc thêm đường vào cà phê là thủ phạm làm suy giảm collagen và elastin, khiến da mất độ đàn hồi, dễ hình thành nếp nhăn, đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Bởi nhiều đường hình thành AGEs - sản phẩm cuối cùng của quá trình glycation tiên tiến. Đường cũng kích hoạt phản ứng viêm nhiễm nhiều hơn, dễ gây mụn. Chưa kể, sự dư thừa đường trong cơ thể còn có thể gây thừa cân, béo phì và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác” - bà cảnh báo.

4. Uống cà phê vào tối muộn, gần giờ đi ngủ

Bên cạnh việc đem lại sự tỉnh táo, cà phê còn là thức uống nhiều người chọn khi muốn thư giãn, làm ấm cơ thể vào buổi tối. Nhưng theo bác sĩ Monica Kieu, uống cà phê vào buổi tối vốn là thói quen không tốt cho sức khỏe hay ngoại hình, nhất là nếu bạn uống chúng vào tối muộn hay nghiêm trọng hơn là sát với giờ đi ngủ.


Không nên uống cà phê vào tối muộn, nhất là gần với giờ đi ngủ. (Ảnh minh họa).

Lý do được bà giải thích như sau: “Caffeine trong cà phê là chất kích thích, khi uống vào buổi tối, càng muộn càng dễ gây ra khó ngủ, mất ngủ. Trong khi đó, chất lượng giấc ngủ thấp làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến tâm trạng, gây rối loạn trao đổi chất, thiếu hụt năng lượng và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Giấc ngủ kém cũng làm chúng ta lão hóa nhanh hơn do da không có đủ thời gian để phục hồi và tái tạo, gây rụng tóc, rối loạn nội tiết, tâm trạng tiêu cực”.

5. Uống cà phê quá nhiều kem nhân tạo

Cà phê quá nhiều kem nhân tạo
Ảnh: Eat This, Not That

Tương tự như đường bổ sung hoặc sữa thì kem cũng là một thành phần cần thận trọng khi thêm vào cà phê.

Kem nhân tạo, đặc biệt là kem không được làm từ sữa mà làm từ sirô ngô và dầu thực vật được hydro hóa một phần chỉ chứa calo rỗng cùng các chất béo trans (axit béo chuyển hóa) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường. Kem nhân tạo cũng khiến cốc cà phê bị giảm lợi ích vốn có của nó.

Nếu vẫn muốn thêm kem vào cà phê, chỉ nên thêm một chút ít và ưu tiên loại có nguồn gốc từ sữa hoặc thực vật như sữa hạnh nhân, sữa yến mạch hoặc sữa đậu nành.

6. Uống cà phê thêm nhiều hương vị bổ sung

Cà phê thêm nhiều hương vị
Ảnh: Olive Magazine

Các hương vị nhân tạo như caramen, bột vani, bạc hà, bột bí ngô,... không chứa gì ngoài đường, calo rỗng và màu nhân tạo khiến cốc cà phê thêm bắt mắt và hấp dẫn hơn. Nếu thường xuyên uống cà phê thêm hương vị nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và về lâu dài có thể dẫn tới suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới tuổi thọ.

7. Uống cà phê quá nóng

Một trong những thói quen phổ biến của nhiều người là uống cà phê khi còn rất nóng, thường là ngay sau khi pha.

Tuy nhiên, theo một báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêu thụ đồ uống nóng trên 65 độ C, bao gồm cả cà phê, có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Cà phê nóng
Nhiệt độ cao có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ trong thực quản.

Nghiên cứu này dựa trên kết quả của nhiều cuộc điều tra dịch tễ học tại các khu vực có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống nóng cao, chẳng hạn như Trung Quốc, Iran và một số nước Nam Mỹ.

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Oncology, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, việc uống cà phê hoặc trà quá nóng có liên quan trực tiếp đến việc gia tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.

Nhiệt độ cao có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ trong thực quản, gây viêm nhiễm và dẫn đến các biến đổi tế bào có hại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có thói quen uống cà phê ngay sau khi đun sôi, mà không để nguội trước khi thưởng thức.

Khuyến nghị từ các chuyên gia y tế là nên để cà phê nguội xuống dưới 60 độ C trước khi uống để giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc thực quản.

Hơn nữa, việc sử dụng cà phê ở nhiệt độ an toàn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn giúp bạn thưởng thức trọn vẹn hương vị của cà phê.

Cập nhật: 07/10/2024 Tổng Hợp
  • 53
  • 2.058