Top 4 trái cây nên ăn cả vỏ để nhận được gấp nhiều lần dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe

  •   3,33
  • 336

Bạn sẽ nhận ra mình đang lãng phí nhiều dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe khi vứt bỏ vỏ của những loại trái cây này mỗi khi ăn.

Chúng ta thường có thói quen bỏ vỏ khi ăn các loại hoa quả. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Sun Yukuo (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, vỏ một số loại trái cây có chứa lượng dưỡng chất khá lớn, thậm chí hơn cả phần thịt quả. Chưa kể, nhiều loại quả khi ăn cả vỏ mới có thể phát huy hết lợi ích sức khỏe vốn có nhưng nhiều người lại không hay.

Đương nhiên, ông cũng nhắc nhở rằng điều quan trọng khi muốn ăn cả vỏ trái cây là chọn nguồn gốc và rửa thật sạch để bảo vệ sức khỏe. Theo bác sĩ Sun Yukuo, chúng ta nên học cách ăn cả vỏ 4 loại trái cây quen thuộc này để tránh lãng phí và khỏe đẹp hơn từ bên trong:

1. Kiwi

Sẽ có khá nhiều người bất ngờ khi nhận được lời khuyên ăn cả vỏ kiwi để nhận về gấp nhiều lần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Lý do là vì vỏ loại quả này thường không nhẵn mịn, có lông. Bác sĩ Sun Yukuo nhắc nhở, để tránh cảm giác khó chịu, bạn có thể loại bỏ bớt lớp lông tơ này trước khi ăn nhưng đừng gọt bỏ lớp vỏ của chúng.

Quả kiwi
Ít người biết rằng các chất có lợi cho sức khỏe trong vỏ kiwi còn nhiều hơn cả phần thịt. (Ảnh minh họa).

Điều bất ngờ là các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vỏ của kiwi có chứa rất nhiều flavonioids, chất chống oxy hóa và vitamin C cùng hàm lượng chất xơ cao gấp đôi phần thịt bên trong. Không chỉ tốt cho tiêu hóa, chống ung thư, giảm mệt mỏi, làm đẹp da và tóc, giảm cân mà ăn vỏ kiwi còn giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn do Staphylococcus và E.coli gây ra.

Ăn kiwi cả vỏ có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ tới 40% nhờ rất giàu canxi, magie và vitamin C, đồng thời giảm căng thẳng đầu óc. Đặc biệt, hàm lượng chất chống oxy hóa trong vỏ quả kiwi gấp 3 lần so với cùi nên tác dụng chống ung thư cũng cao hơn.

2. Nho

Vỏ nho rất giàu cellulose, pectin và sắt rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt còn có tác dụng làm đẹp. Ngoài ra, nho cũng rất giàu polyphenol đóng vai trò nhất định trong quá trình chống oxy hóa và bảo vệ hệ tim mạch. Hàm lượng polyphenol trong phần thịt quả nho khoảng 3 - 5% và trong vỏ nho là khoảng 20% - 30%. Có thể thấy hàm lượng dinh dưỡng của vỏ nho tương đối cao.

Quả nho
 Nho rất giàu polyphenol đóng vai trò nhất định trong quá trình chống oxy hóa.

Vỏ nho còn rất giàu anthocyanin và resveratrol có tác dụng chống oxy hóa, làm đẹp, ngăn ngừa ung thư và béo phì. Flavonoids, đặc biệt trong vỏ nho tím giúp giảm huyết áp, thúc đẩy lipoprotein mật độ cao trong máu tăng lên, làm giảm lượng cholesterol có hại, bảo vệ tim mạch. Ăn nho cả vỏ cũng là một cách hiệu quả để bổ sung sắt, phòng ngừa thiếu máu.

Tuy nhiên, ăn mỗi vỏ nho đương nhiên là rất khó và không cần thiết. Thay vào đó, bạn đừng mất nhiều công sức tách vỏ nho mà hãy chọn nguồn thực phẩm sạch, rửa kỹ rồi ăn cả vỏ.

3. Táo

Hầu hết mọi người đều có thói quen gọt vỏ táo khi ăn, tuy nhiên đây cũng là một điều lãng phí. Bởi vỏ táo có hàm lượng chất xơ cao (chiếm nửa hàm lượng chất xơ của cả quả), giàu vitamin C, A và kali.

Quả táo
Nhiều người có thói quen vứt bỏ vỏ táo mà không biết chúng giàu dinh dưỡng như thế nào. (Ảnh minh họa)

Vỏ táo cũng chứa lượng vitamin K nhiều gấp 4 lần những phần khác. Nếu gọt bỏ vỏ, bạn mất đi 1/3 dinh dưỡng. Vitamin K phổ biến trong thịt và rau xanh, giúp cơ thể hình thành cục máu đông khi bị trầy xước, kích hoạt các protein, phát triển tế bào và duy trì xương chắc khỏe.

Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ ra hàm lượng các “chất vàng” cho sức khỏe như: quercetin, polyphenol, anthocyanin đều tập trung nhiều hơn ở vỏ táo. Quercetin giúp cơ thể ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp, bảo vệ phổi khỏi các chất kích thích. Quercetin cũng được cho là chống lại tổn thương mô não và bảo vệ trí nhớ. Còn polyphenol, anthocyanin thì giúp bảo vệ tim mạch, chống ung thư và cải thiện não bộ.

Tuy nhiên, bác sĩ Sun Yukuo nhắc nhở nên lưu ý đặc biệt khi chọn táo để ăn cả vỏ. Đó là không ăn vỏ táo sáp, táo bị ngâm thuốc ép chín hoặc có dấu hiệu hư hại, dập nát.

4. Dưa hấu

Đây cũng là một loại quả rất ít ai nghĩ lớp vỏ của nó lại ăn được. Bác sĩ Sun Yukuo nhấn mạnh rằng, bạn không cần phải ăn hoàn toàn cả vỏ của quả dưa hấu, nhưng hãy tận dụng phần cùi trắng ở vỏ của chúng. Nếu ăn một mình có thể sẽ nhạt nhẽo và không ngon miệng, nhưng ăn cùng phần thịt đỏ thì sẽ không ảnh hưởng lớn tới hương vị. Cách tốt nhất là bạn bỏ chung 2 phần vỏ và thịt quả này vào làm nước ép hoặc sinh tố. Ngoài ra, phần cùi trắng ở vỏ cũng có thể dùng để chế biến nhiều món ăn ngon.

Dưa hấu
Chỉ nên ăn lớp cùi trắng ở vỏ dưa hấu thay vì ăn toàn bộ vỏ để không ảnh hưởng nhiều tới hương vị. (Ảnh minh họa).

Ông nói thêm rằng, tuy không nhiều dinh dưỡng bằng phần thịt quả, nhưng chất xơ trong vỏ dưa hấu rất lớn. Đặc biệt, bạn sẽ phải kinh ngạc vì những lợi ích sức khỏe mà nó đem lại.

Trong lớp vỏ mọi người thường hay vứt bỏ này có chứa citrulline sẽ chuyển hóa thành arginine. Đây là loại amino axit thiết yếu có lợi cho tim, cải thiện khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch và tuần hoàn máu. Vỏ dưa hấu cũng được chứng minh là có lợi trong giảm huyết áp, phòng bệnh tim mạch, giảm triệu chứng viêm khớp, phòng sỏi thận, tốt cho tiêu hóa và giảm những khó chịu trong thai kỳ.

Ngoài ra, vỏ dưa hấu còn hỗ trợ giảm cân rất tốt. Một nghiên cứu về vấn đề sinh dục của nam giới tại Viện Y tế Quốc gia Hoa kỳ cho thấy, chất L-citrulline trong cùi dưa hấu có tác dụng giúp cải thiện sinh lực phái mạnh, tăng cường ham muốn.

Cập nhật: 02/01/2024 PNVN
  • 3,33
  • 336