Cuộc đua năng lượng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mãnh liệt hơn vào năm 2008 khi cả hai bên đều đi khắp thế giới để tìm nhiên liệu cho nền kinh tế bùng nổ của mình. Trong cuộc "tỷ thí" này, Bắc Kinh đang dẫn trước một bước xa, các nhà phân tích nhận định.
Trung Quốc, với túi tiền lớn và ngoại giao năng động, đã đánh bại nước Ấn Độ quan liêu, ì ạch trong cuộc truy tìm nguồn cung cấp nhiên liệu dài hạn tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, giới phân tích cho hay.
"Người Trung Quốc đang chiếm ưu thế hơn người Ấn Độ. Dù là ở đâu, Myanmar, Sudan hay Indonesia, người Trung Quốc luôn đi trước", Rahul Bedi, nhà phân tích người Ấn Độ làm cho tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane nói. "Tuy nhiên, Ấn Độ đang đẩy nhanh tốc độ của họ".
Đầu tháng 12 này, Trung Quốc đã đánh bại Ấn Độ để trở thành nhà thầu được ưu đãi cho dự án ở Myanmar của Công ty Daewoo, Hàn Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ chi 1,1 tỷ USD cho đường ống dẫn khí.
"Người Trung Quốc tiến đến mục tiêu xông xáo hơn, nhanh hơn", Victor Shum, nhà phân tích của Công ty Tư vấn dầu lửa Purvin & Gertz đóng tại Singapore nói.
(Ảnh: AFP)
Sự quyết đoán của Trung Quốc xuất phát từ nền tảng công nghiệp đồ sộ của họ, vốn rất cần nhiên liệu để sản xuất mọi thứ, từ phân bón tới điện thoại di động. "Trung Quốc sản xuất nhiều loại hàng hóa cho thế giới và họ cần năng lượng để làm việc đó", He Jun, chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn năng lượng Anbound, Bắc Kinh nhận xét. "Đó là xu hướng không ngừng".
Trung Quốc phải nhập khẩu 1/2 số lượng dầu cần thiết, tiêu thụ 7,16 triệu thùng dầu một ngày vào năm ngoái. Nhu cầu của Trung Quốc sẽ cao hơn nhu cầu của Mỹ sau năm 2010, cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết.
Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ cũng tăng nhanh nhưng còn kém xa Trung Quốc do kinh tế nước này hướng về dịch vụ. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu 70% lượng dầu theo nhu cầu, chỉ tiêu thụ 2,45 triệu thùng dầu một ngày.
Cơn khát dầu của Trung Quốc một phần là do giá dầu tăng tới mức gần 100 USD/thùng. "Kể từ năm 2002, nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng từ 5-10% một năm trong khi mức cầu của Ấn Độ chỉ là tăng bất thường", Dave Ernsberger, Giám đốc Công ty Dầu khí Platts Asia, nói.
Do cơ cấu chính trị nên Tập đoàn Dầu và khí thiên nhiên (ONGC), công ty thuộc quản lý nhà nước của Ấn Độ, gặp nhiều khó khăn hơn so với các công ty của Trung Quốc trong các dự án đầu tư.
Vấp phải sự phản đối của một số đảng đối lập, Ấn Độ phải bỏ qua một hiệp ước mang tính bước ngoặt với Mỹ về việc đưa New Delhi vào thị trường hạt nhân dân sự. Cùng lúc đó, Washington - vốn nghi ngờ chương trình hạt nhân của Iran, tỏ ra không mấy hào hứng với các kế hoạch tham gia vào việc xây dựng đường ống dẫn khí từ Iran sang Ấn Độ thông qua Pakistan. Dự án này bị trì hoãn bởi các yếu tố kỹ thuật và tranh cãi về giá.
Trung Quốc có nhiều tiền hơn Ấn Độ. Công ty nhà nước CNPC - công ty sản xuất dầu chủ chốt của Trung Quốc, đã đầu tư 45 tỷ USD vào các nguồn năng lượng mới trong khi ONGC mới bỏ ra 3,5 tỷ USD trong một giai đoạn 5 năm, tới năm 2005.
Năm 2005, Ấn Độ tuyên bố nước này hy vọng có thể chuyển từ ganh đua sang thiết lập liên minh với Trung Quốc nhưng nỗ lực này đã thất bại do những nghi kỵ có từ xưa giữa hai bên
Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Trung Á và nhắm tới nước Nga giàu có - đồng minh thời Chiến tranh lạnh của Ấn Độ.
Ấn Độ, hiện giữ 20% cổ phần trong mỏ khí Sakhalin-1 của Nga, tuyên bố, những thỏa thuận mới về dầu và khí giữa Ấn Độ và Nga sẽ được "làm cho vững chắc vào tháng 2 tới". Tuy nhiên, quan hệ ấm lên giữa New Delhi và Washington trong thời gian gần đây đã phủ bóng lên quan hệ giữa nước này với Nga.
Gần đây, Ấn Độ bắt đầu học tập Trung Quốc, tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi, thúc đẩy quan hệ thương mại và quốc phòng. Đổi lại, ONGC giành được quyền khai thác ở Sudan và Nigeria bên cạnh Libya, Algeria, Ai Cập kể từ 2004. Tháng 10 năm nay, ông Manmohan Singh là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên trong vòng 45 năm tới thăm quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu là Nigeria.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã xuất hiện ở châu Phi từ trước. Nước này xây dựng đường sá, hệ thống đường sắt và các cơ sở hóa dầu. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi đầu năm nay đã tới thăm châu Phi, chuyến thăm thứ 3 trong vòng chưa đầy 3 năm.
Hoài Linh